Với chức năng là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động hướng dẫn, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai nhiệm vụ về công tác gia đình, thực hiện lồng ghép nội dung công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới với việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, từ đó đạt được những kết quả phấn khởi.
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt trong việc triển khai nhiệm vụ về công tác gia đình trong những năm qua. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện tuyên truyền sâu rộng về công tác gia đình bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú, phát huy tối đa hiệu quả và thực hiện đồng bộ nhiều hình thức tuyên truyền.
Hàng năm, Sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của ngành, hệ thống truyền thanh 3 cấp trên địa bàn thực hiện 3 đợt tuyên truyền trọng điểm nhân các ngày lễ kỷ niệm như Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam và Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Đồng thời duy trì việc thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan.
Cùng với đó, việc tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng luôn được quan tâm thực hiện. Trong năm qua đã có hàng trăm buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, các hội thi, hội diễn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã cung cấp đĩa CD kịch bản tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình đến các huyện, thành phố trong tỉnh.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam nhằm xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc…
Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các hoạt động kỷ niệm, hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11) được quan tâm, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Tiêu biểu như hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), các huyện, thành phố trong tỉnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tổ chức "Ngày hội Gia đình hạnh phúc" thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể dục thể thao trên hầu khắp cộng đồng dân cư…
Trong ngày Quốc tế hạnh phúc năm 2015, hầu hết các tổ chức chính trị như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các buổi sinh hoạt chủ đề về hạnh phúc, yêu thương, chia sẻ và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT sôi nổi, gắn kết tình yêu thương gia đình, bè bạn.
Đồng thời, Sở cũng thực hiện căng treo trên 200 băng zôn tuyên truyền hưởng ứng trên địa bàn thành phố Ninh Bình và các khu vực tập trung đông dân cư; biên soạn nhiều bộ tài liệu tuyên truyền hướng dẫn cũng như thực hiện các buổi tư vấn cộng đồng, nói chuyện chuyên đề về chủ đề "Xây dựng gia đình hạnh phúc"…
Ngoài ra, tại nhiều đơn vị xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà những gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, công tác phòng, chống bạo lực gia đình được quan tâm, thực hiện tốt. Theo đó, thực hiện Quyết định số 215 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 72, ngày 3-11-2014 về thực hiện chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động của địa phương, đơn vị mình để triển khai thực hiện hiệu quả.
Toàn tỉnh đã thành lập 884 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; hình thành 958 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; có 155 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình. Các CLB Gia đình phát triển bền vững được duy trì sinh hoạt 2 tháng một lần gắn với các buổi sinh hoạt thôn, xóm, phố.
Hàng năm, số nạn nhân bạo lực gia đình khai báo tăng, một số hình thức bạo lực nhạy cảm như bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục đã được nạn nhân khai báo và được can thiệp, tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Từ khi thành lập các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, việc can thiệp, xử lý các vụ bạo lực gia đình được kịp thời hơn, tránh được những mâu thuẫn, xô xát lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể và tinh thần của nạn nhân.
Năm 2015, toàn tỉnh có 159 vụ bạo lực gia đình; trong đó, có 118 vụ góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc tại cộng đồng dân cư 6 vụ; áp dụng biện pháp giáo dục 16 vụ; tòa án nhân dân các cấp trong tỉnh đưa ra xét xử 1 vụ gây bạo lực gia đình; UBND cấp xã ra quyết định xử phạt hành chính 9 đối tượng gây bạo lực gia đình; 8 bệnh nhân bạo lực gia đình được tiếp nhận, chăm sóc tại cơ sở y tế; 68 nạn nhân bạo lực gia đình và 66 người gây bạo lực gia đình được tư vấn.
Việc can thiệp, hỗ trợ và xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn đã góp phần làm giảm đáng kể các vụ bạo lực gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Với chủ đề công tác gia đình năm 2016 là: "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình"; đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; trọng tâm là triển khai có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng, tổ dân phố văn hóa; quan tâm chỉ đạo từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc cúng tế; tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm sóc người cao tuổi, gia đình chính sách, có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực trong gia đình.
Các tổ chức xã hội, đoàn thể và các bậc cha mẹ cần quan tâm tới việc cung cấp, trao truyền những kiến thức, kỹ năng sống cho các thành viên trong gia đình như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Và trong giáo dục, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Phấn đấu thực hiện hiệu quả thông điệp "Mọi người hãy sống có trách nhiệm với gia đình của mình bằng những hành động thiết thực" để cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc bền vững.
Hạnh Chi