Vừa qua, rất nhiều người thương cho hoàn cảnh một học sinh phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) mới tốt nghiệp lớp 9, đã thi đỗ vào lớp 10 THPT nhưng không may đuối nước khi đi tắm sông cùng bạn bè. Điều đáng nói trong cái chết của học sinh này là kỹ năng xử lý tình huống của các em cũng chưa có.
Thay vì khi bạn mắc nạn, các em cần phải lập tức kêu cứu tại chỗ, bởi xung quanh chỗ các em tắm vẫn có những người lớn cùng tắm, hoặc chí ít vẫn có những người lớn đang hoạt động, làm việc gần đấy để có phương án cấp cứu, xử lý kịp thời, thì các em lại lẳng lặng đi về thông báo cho người mẹ đang bận đi làm, dẫn đến không còn thời gian để cứu bạn…
Ở tỉnh ta, mỗi năm cũng có hàng chục trẻ em bị đuối nước, trong đó nhiều hơn cả là các địa phương có nhiều ao hồ, sông nước như các huyện Kim Sơn, Nho Quan, Gia Viễn... Đây thực sự là một con số đáng buồn khiến bất kỳ ai cũng phải giật mình và đau xót, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đe dọa đến cuộc sống và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Tìm hiểu được biết, những năm gần đây, mặc dù nhu cầu học bơi và phòng đuối nước cho trẻ em ngày càng tăng nhưng hiệu quả thực sự đạt được chưa đúng như mong đợi. Nhiều phụ huynh học sinh than thở, sau mỗi khóa bơi mùa hè, các con không có tiến bộ nhiều, thường là chỉ biết sơ sơ vài kiểu bơi, bơi được khoảng cách rất ngắn và không biết chủ động trước các tình huống xảy ra.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó chủ yếu là do trình độ của người dạy bơi, các huấn luyện viên nhiều người còn có mức độ; số bể bơi trên địa bàn còn quá ít so với nhu cầu và chất lượng nước thì không đảm bảo vệ sinh. Cùng với đó là tình trạng nhiều phụ huynh vẫn chưa quan tâm đến việc trang bị cho các em kỹ năng học bơi, xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình bơi…
Theo đại diện ngành Giáo dục, dạy bơi phòng đuối nước cho trẻ em là việc làm cần thiết, giúp trẻ có thêm kiến thức kỹ năng sống và rèn luyện sức khỏe. Những năm qua, Trung tâm thanh thiếu nhi tỉnh và nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư xây dựng các bể bơi và tổ chức hoạt động dạy bơi cho trẻ em, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa cao.
Để thực hiện phòng, chống đuối nước hiệu quả cho trẻ em rất cần sự quan tâm đầu tư, nỗ lực chung tay nhiều hơn nữa của các cấp, ngành và toàn xã hội để có thể trang bị đủ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy; đào tạo bồi dưỡng giáo viên và quan trọng hơn là sự quan tâm chăm lo của người lớn đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ trước nguy cơ đuối nước.
Mặt khác, việc giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh tại các trường học chưa được chú trọng, vẫn mang tính tự phát. Hiện, chương trình học tập trong nhà trường hầu hết chưa triển khai rộng rãi môn bơi cho trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi tiểu học.
Chính vì thiếu kỹ năng bơi và phòng vệ căn bản nên khi gặp trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tử vong. Thực tế, vẫn có những trường hợp học sinh rủ nhau đi bơi, khi có bạn gặp sự cố thì các em tự cứu lẫn nhau. Do thiếu kiến thức xử lý những tình huống khẩn cấp nên mặc dù biết bơi, các em vẫn bị chết đuối tập thể.
Thời gian qua, các cấp, các ngành đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị về việc tăng cường những giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên và tăng cường giáo dục, tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, giúp trẻ phòng tránh tai nạn đuối nước.
Tuy nhiên, để hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp tử vong do đuối nước, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị liên quan.
Các nhà trường cần trang bị cơ sở vật chất phục vụ bơi lội để đưa môn thể thao này vào chương trình học kỹ năng căn bản cho trẻ, coi bơi lội là một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
Thêm một điều nữa là rất cần có các biển cảnh báo tại các nơi sông suối, ao hồ có mực nước sâu, nguy hiểm đến tính mạng, không được phép bơi lội.
Và quan trọng hơn cả là trách nhiệm của các bậc phụ huynh, cần giám sát con em trong mọi trường hợp; đồng thời phối hợp với nhà trường quản lý chặt chẽ không để xảy ra tình trạng trốn học hoặc vào giờ nghỉ đi tắm sông, hồ…, góp phần giảm đến mức thấp nhất số vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Hạnh Chi