Sau khi được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, chị Mai Thị Thúy còn được các nhân viên nhiệt tình tư vấn học nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động.
Sau khi nghe tư vấn, đồng thời xét các điều kiện của bản thân, chị Thúy quyết định đăng ký học nghề may. Với mức hỗ trợ học nghề 1 triệu đồng/tháng, chị Thúy rất thuận lợi để đi học nghề. "Hiện nay, nhiều người lao động bị mất việc do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Vì vậy, ở độ tuổi ngoài 35 như tôi thì cơ hội tìm việc tại doanh nghiệp rất khó khăn. Giải pháp tốt nhất đó là học để chuyển đổi nghề mà sau khi học tôi có thể tự tạo việc làm cho mình. Tôi quyết định sẽ học nghề may. Hoàn thành khóa học, tôi có thể tự mở một cửa hàng may nho nhỏ tại nhà"- chị Thúy nói về dự định sắp tới.
Chị Thúy là một trong 141 lao động thất nghiệp được tư vấn, hỗ trợ tham gia các khóa học nghề theo chính sách về BHTN do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn trong vài tháng qua. Để người lao động quan tâm đến công tác học nghề, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh luôn chủ động liên kết với các cơ sở dạy nghề uy tín nhằm tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động và doanh nghiệp.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động thất nghiệp có nhu cầu học nghề, Trung tâm đã bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp tại nơi đăng ký BHTN, phối hợp với các phòng lao động, thương binh và xã hội đẩy mạnh tuyên truyền nhằm đưa kiến thức đến với các lao động ở xa… với việc chuyển đổi nghề nghiệp kịp thời, phù hợp với xu thế sẽ là cơ hội lớn để người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.
Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2020, Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ BHTN của gần 4 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là lao động nộp hồ sơ trong tháng 6 và tháng 7.
Bên cạnh nỗ lực huy động toàn bộ nguồn nhân lực để hỗ trợ người lao động làm các thủ tục hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ BHTN, Trung tâm cũng đẩy mạnh hoạt động tư vấn việc làm, học nghề cho người lao động. Từ đầu năm tới nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm bị ảnh hưởng không nhỏ khi phải tạm dừng nhiều phiên giao dịch việc làm cố định hàng tháng.
Tuy nhiên, Trung tâm đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giới thiệu việc làm qua Website, phỏng vấn online nhằm tạo điều kiện kết nối, tuyển dụng, tìm kiếm việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với các địa phương, đơn vị tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu về những vị trí việc làm còn trống và thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp.
Đồng thời, khai thác nhu cầu tìm việc của người đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đối tượng lao động tự do. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động trên hệ thống sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Tính đến hết tháng 7/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho 2.181 lao động.
Cùng với việc tăng cường kết nối thông tin thị trường lao động, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về xuất khẩu lao động, coi đây là "kênh" tạo việc làm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu lao động (XKLĐ) và các địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền thông tin về XKLĐ đến tận người dân. Qua các buổi tuyên truyền cho thấy, không chỉ cán bộ địa phương mà đã có rất nhiều gia đình, người lao động đến tìm hiểu thông tin lựa chọn thị trường lao động phù hợp với trình độ, tay nghề và khả năng tài chính.
Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 50 lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn theo chương trình trình EPS. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, số lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn giảm nhiều so với các năm trước. Tuy vậy, nhu cầu đi XKLĐ được dự báo vẫn rất lớn.
Để người lao động chuẩn bị sẵn sàng các hành trang cần thiết, hiện nay, các trường dạy nghề, các doanh nghiệp thực hiện đưa người đi xuất khẩu đã xây dựng kế hoạch đào tạo tay nghề, kỹ năng ứng xử cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, thường xuyên cập nhật những nhu cầu mới về việc làm của các nước để có những điều chỉnh phù hợp với ngành nghề, về thời gian tiếp nhận lao động; chủ động liên hệ với các đối tác ở các nước trong việc sơ tuyển, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với thực tế, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để tiếp tục triển khai công tác XKLĐ khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Thời gian tới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ngành cũng sẽ tích cực đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, tập trung chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động, giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động, cung ứng kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Đào Hằng