PV: Xin đồng chí cho biết về tình hình công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Đ/c Lý Thị Hương: Thời gian qua, công tác Dân số-KHHGĐ đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tham gia phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân nên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Nhận thức của nhân dân trong tỉnh có chuyển biến mạnh mẽ, đại đa số nhân dân chấp nhận quy mô gia đình ít con, nhất là thế hệ trẻ. Ninh Bình là tỉnh có tỷ suất sinh thấp so với cả nước, tính đến ngày 30-6-2015, dân số toàn tỉnh là 950.680 người; số phụ nữ 15 - 49 tuổi là 242.113 người. Tỷ suất sinh năm 2014 là 15,5%o, giảm 0,24%o so với năm 2013. Hiện nay Ninh Bình đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, số người trong độ tuổi lao động cao là nguồn nhân lực dồi dào cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Ninh Bình cũng nằm trong xu hướng chung của cả nước đó là tỷ lệ người cao tuổi có xu hướng tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm dần và đang dần bước vào giai đoạn già hóa dân số. Đặc biệt là tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, năm 2014 là 113,8 bé trai/100 bé gái.
P.V: Ngành Dân số - KHHGĐ đã có giải pháp gì để người dân thuộc xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và người dân dễ tổn thương trong thiên tai được thụ hưởng các chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản?
Đ/c Lý Thị Hương: Đối với người dân thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng ven biển và người dân dễ tổn thương trong thiên tai trong thời gian qua luôn được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền về chính sách dân số với mục đích để họ giảm bớt khó khăn và có thể tiếp cận tốt các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ tỉnh và Sở Y tế, hàng năm Chi cục dân số đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tốt các đợt tuyên truyền, tư vấn, kết hợp với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho các nhóm đối tượng tại các địa bàn khó khăn miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển…; tổ chức các lớp cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số, tầm soát các dị dạng bệnh tật bẩm sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh cùng với việc tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ KHHGĐ, làm mẹ an toàn, phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản cho các đối tượng có nhu cầu.
Thông qua các buổi cung cấp kiến thức đã tuyên truyền cho chị em biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhận biết và phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Vận động chị em đến cơ sở y tế và địa điểm cung cấp dịch vụ khám và điều trị phụ khoa, thực hiện các biện pháp KHHGĐ, khám thai, tiêm phòng uốn ván cho các bà mẹ mang thai, khám sàng lọc trước sinh và lấy mẫu máu sàng lọc cho trẻ sơ sinh…
P.V: Xin đồng chí cho biết sự chuyển biến về nhận thức cũng như việc chủ động tiếp cận các dịch vụ hiện đại của người dân thuộc xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và người dân dễ tổn thương trong thiên tai thời gian qua trên địa bàn tỉnh như thế nào?
Đ/c Lý Thị Hương: Trong những năm qua, công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi được tổ chức thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú như tổ chức các lớp cung cấp kiến thức, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sân khấu hóa hình thức tuyên truyền, tư vấn vận động tại các hộ gia đình tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng giữa các nhóm đối tượng tại các địa bàn khác nhau. Vì vậy, nhận thức của người dân nói chung cũng như người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai nói riêng đã có sự chuyển biến rất lớn.
Nhận thức của nhân dân về quyền lợi và nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số/KHHGĐ được nâng lên; đã có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động về hôn nhân và sinh đẻ của người dân, ngày càng có nhiều người kết hôn muộn, đẻ muộn, đẻ thưa, đẻ ít, thực hiện quy mô gia đình nhỏ để có điều kiện nuôi dạy và chăm sóc con cái tốt hơn. Việc quan tâm chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản ngày càng nâng cao. Người dân đã nhiệt tình tham gia các lớp cung cấp kiến thức SKSS/KHHGĐ, tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai, chủ động tới các cơ sở y tế, khám và điều trị các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Tham gia và vận động các thành viên trong gia đình và cộng đồng thực hiện tốt các chương trình: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân (thực hiện)