Ở tỉnh Ninh Bình có 35.470 người bị phơi nhiễm; toàn tỉnh có 137 gia đình có từ 3 người trở lên là nạn nhân chất độc da cam. Hầu hết các gia đình nạn nhân da cam luôn phải sống trong tình trạng dày vò, đau đớn về sức khỏe, bệnh tật; hoảng loạn về tinh thần; thiếu thốn, khó khăn về kinh tế và tự ti, mặc cảm trong cuộc sống. Hàng chục năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để khắc phục hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, trong đó có nạn nhân chất độc da cam, xác định việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là vấn đề vừa lâu dài, vừa cấp bách hiện nay. Để thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân da cam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập, đến nay trong cả nước đã có 61 tỉnh, thành phố có tổ chức hội, 17 tỉnh, thành phố đã thành lập đủ mạng lưới tổ chức hội từ tỉnh tới xã.
Ninh Bình là một trong những tỉnh thành lập hội sớm và kiện toàn đầy đủ hệ thống tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, đi vào hoạt động có hiệu quả tích cực với mục tiêu chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho nạn nhân chất độc da cam và những người bị phơi nhiễm. Toàn tỉnh đã vận động, tiếp nhận từ các nguồn lực xã hội 22 tỷ 322 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ cho 55.707 lượt đối tượng nạn nhân chất độc da cam với số tiền 21 tỷ 225 triệu đồng. Việc hỗ trợ, giúp đỡ được thể hiện qua các hoạt động cụ thể, thiết thực như làm và sửa chữa nhà cho 145 hộ với 5 tỷ 641 triệu đồng; giúp đỡ sản xuất cho 155 hộ với 615,5 triệu đồng; hỗ trợ học bổng 136 suất với 286 triệu đồng; tặng xe lăn cho 195 đối tượng với 207 triệu đồng; khám, cấp thuốc miễn phí cho 955 người 112,5 triệu đồng; thăm, tặng quà hàng năm với số tiền 10.946.660.000 đồng... Những hoạt động trên đã góp phần giúp các gia đình nạn nhân da cam phần nào xoa dịu nỗi đau, vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, một số gia đình đã vươn lên trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, nỗi đau da cam là rất lớn, khó khăn của các gia đình nạn nhân chất độc da cam còn rất nhiều, đòi hỏi sự quan tâm ủng hộ, giúp dỡ nhiều hơn nữa của toàn xã hội. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học như xử lý môi trường bị ô nhiễm bởi chất độc da cam/dioxin; thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với đối tượng nạn nhân da cam về trợ cấp, về nhà ở, ưu tiên vay vốn tạo việc làm phát triển sản xuất, về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ học tập..., cần xây dựng tổ chức hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp vững mạnh đủ năng lực, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nạn nhân da cam và những người bị phơi nhiễm; tư vấn, giúp đỡ để những người có đủ điều kiện được hưởng chế độ trợ cấp; vận động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân da cam bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin.
Đỗ Bằng