P.V: Xin đồng chí cho biết, trong thời gian qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện các chế độ chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh như thế nào? Đ/c Nguyễn Phong Phú: Những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng để tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người có công tới các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đối tượng chính sách để thực hiện và giám sát việc thực hiện, đảm bảo công khai minh bạch, dân chủ, công bằng xã hội và tôn vinh người có công với đất nước.
Đã chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", các nghị định, thông tư hướng dẫn của Trung ương. Từ năm 2013 đến nay, đã tổ chức lập và thẩm định hồ sơ và đã được Chủ tịch nước phong tặng 759 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (trong đó phong tặng 96 mẹ và truy tặng 663 mẹ), nâng tổng số Bà mẹ của tỉnh được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH là 1.104 mẹ. Hiện trên địa bàn tỉnh có 87 Bà mẹ còn sống, tất cả các Bà mẹ đều được các cơ, quan đơn vị trong tỉnh nhận phụng dưỡng, đề nghị Chủ tịch nước tặng huân chương độc lập cho 197 gia đình có nhiều con là liệt sỹ và có một con duy nhất là liệt sỹ.
Từ năm 2011 đến nay đã giải quyết cho trên 37.000 lượt đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi; Đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công 31 liệt sỹ mới, cấp lại 5.850 Bằng Tổ quốc ghi công bị mất hoặc rách, hỏng; Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thẩm định hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách cho trên 18.000 người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo Quyết định số 142/QĐ-TTg và trên 9.000 người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 theo Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách cho trên 600 cựu thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận 237 cán bộ hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 (cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa).
Đồng thời với việc giải quyết chính sách cho các đối tượng mới phát sinh, Ngành đã duy trì thực hiện tốt chính sách và lo đủ nguồn kinh phí, tổ chức chi trả đúng đủ, kịp thời các khoản trợ cấp, phụ cấp cho trên 25.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, trên 50.000 người thụ hưởng chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế, trên 53.500 lượt đối tượng thụ hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo (năm 2011 là gần 20.000, năm 2012 là trên 13.000, năm 2013 là trên 10.500, năm 2014 là trên 9.000, 6 tháng đầu năm 2015 là trên 1.000), với tổng kinh phí hàng năm từ 550 đến 587 tỷ đồng, đảm bảo an toàn, không để xảy ra thất thoát, mất cắp, mất trộm; Thực hiện điều chỉnh kịp thời, chính xác mức trợ cấp cho đối tượng theo quy định tại các nghị định của Chính phủ cho từng giai đoạn; Hàng năm đã thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho từ 7.000 đến 11.000 lượt người có công, trong đó mỗi năm tổ chức đưa hàng nghìn người có có công đi điều dưỡng tập trung ở các trung tâm tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) đảm bảo an toàn.
P.V: Xin đồng chí cho biết việc xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Đ/c Nguyễn Phong Phú: Trong những năm qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng luôn là mối quan tâm đặc biệt và được cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo đó, các ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã và đang tăng cường chăm sóc người có công và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa để người có công và thân nhân của họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; ưu tiên lo nhà ở cho gia đình thương binh liệt sĩ; chăm sóc và tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ (nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi tên, đền thờ liệt sĩ...). Bên cạnh đó, nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân... ngày càng thể hiện nhiều hơn tấm lòng tri ân thông qua những việc làm thiết thực đối với các đối tượng chính sách,
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu thực hiện tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công. Từ năm 2011 đến năm 2014, tổ chức tốt việc thăm hỏi tặng quà cho đối tượng chính sách trong các dịp lễ, Tết với trên 275.900 suất quà, trị giá 56,89 tỷ đồng. Vận động đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đạt 3.992 triệu đồng; đã xây mới và sửa chữa 494 nhà tình nghĩa, trị giá 10.696 triệu đồng, thực hiện Đề án số 02 và Đề án số 06 của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ chính sách có khó khăn về nhà ở, toàn tỉnh đã xây mới 5.007 ngôi nhà; Thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, ngành đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh có Quyết định số 53 ngày 21/01/2014 phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh với 2.247 hộ gia đình người có công được hỗ trợ về nhà ở, kinh phí hỗ trợ là 68,4 tỷ đồng (gồm xây mới 1.173 hộ, sửa chữa 1.074 hộ), năm 2014 đã thực hiện hỗ trợ 2 đợt là 11,72 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 10,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 820 triệu đồng. Vận động tặng 287 Sổ "Tiết kiệm tình nghĩa", trị giá 168 triệu đồng, vận động Bệnh viện Quân đội 103 và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh nhiều lần tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có công, trị giá hàng tỷ đồng. Đến năm 2013, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận là xã, phường thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. Đến nay, toàn tỉnh có 35.810/36.373 hộ gia đình chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung binh của dân cư nơi cư trú, đạt 98,5%.
Thực hiện quản lý tốt công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ, các công trình tưởng niệm liệt sỹ. Hàng năm, Ngành đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, thường xuyên dọn vệ sinh đảm bảo cảnh quan môi trường các nghĩa trang liệt sỹ và các công trình tưởng niệm liệt sỹ khang trang sạch đẹp, thực sự là các công trình văn hóa của tỉnh và các địa phương, đáp ứng yêu cầu tâm linh thành kính nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ và có tính giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc.
P.V: Để nâng cao chất lượng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", ngành Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai các biện pháp gì trong thời gian tới?
Đ/c Nguyễn Phong Phú: Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", trong thời gian tới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ các đối tượng người có công, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh về đời sống vật chất và tinh thần; làm tốt hơn nữa việc xã hội hóa công tác chăm sóc người có công, tạo điều kiện cho con em người có công với cách mạng kế tục sự nghiệp vẻ vang của cha anh. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Đặc biệt, ngày thương binh liệt sỹ 27-7-2015 là dịp để các ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, quan tâm chăm lo đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, tổ chức những hoạt động về nguồn; ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa… nhằm trân trọng tri ân những đóng góp, cống hiến to lớn của thương bệnh binh, gia đình chính sách, người có công vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân (Thực hiện)