Khoai lang Hoàng Long là loại cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình. Khoai có màu vàng nhạt, bở, ngọt và có mùi thơm đặc trưng; dạng củ đều đẹp, dây xanh tím phủ luống ngọn. Đặc biệt, người ta cho rằng giống khoai này chỉ trồng ở Ninh Bình mới hội tụ đủ những đặc điểm trên. Nếu đem giống này trồng ở nơi khác thì bề ngoài tuy giống khoai Hoàng Long nhưng ruột không có màu vàng đậm, không ngọt, phẩm chất củ cũng giảm rõ rệt. Giống khoai này dễ trồng, vốn đầu tư ít, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế nông hộ, nên được người dân nhiều địa phương trồng và mang lại thu nhập khá. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nông dân thường chỉ quen nhân giống thủ công bằng phương thức vô tính, tức là cắt các đoạn dây để làm giống cho vụ sau mà không tìm hiểu sâu xa và bản chất di truyền của giống. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giống khoai lang Hoàng Long dần bị thoái hóa, cho năng suất thấp, phẩm chất giảm và lẫn tạp nhiều.
Chính vì vậy, từ năm 2012, Trung tâm ứng dụng KHCN& đo lường thử nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình) đã quyết tâm cùng với Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) phục tráng giống khoai này, nhằm tăng năng suất, chất lượng, tạo tiền đề hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Việc phục tráng giống khoai lang Hoàng Long được thực hiện theo phương pháp truyền thống (nhân giống bằng dây và củ) kết hợp với sử dụng chỉ thị phân tử. Theo Ban chủ nhiệm đề tài thì việc sử dụng chỉ thị phân tử trong quá trình phục tráng giống sẽ rút ngắn được thời gian phục tráng, đồng thời đánh giá chính xác được các dòng đã chọn lọc.
Thạc sỹ Trịnh Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) cho biết: Trên cơ sở bản mô tả giống khoai lang Hoàng Long, các cán bộ thực hiện đề tài đã tiến hành đánh giá, chọn lọc trên đồng ruộng của người dân vùng nghiên cứu, thu thập được 70 dòng khoai lang để làm vật liệu phục tráng giống. Sau đó trồng 70 dòng khoai lang này và tiến hành đo đếm các chỉ tiêu đặc điểm hình thái: dạng thân, màu sắc thân, màu sắc ngọn, màu sắc lá ngọn, hình dạng lá, dạng phiến lá, màu sắc vỏ củ, màu sắc thịt củ… Cùng với việc theo dõi, đánh giá các dòng khoai lang Hoàng Long trên đồng ruộng ở vụ 2, chúng tôi cũng tiến hành lấy mẫu lá non của các dòng và sử dụng kỹ thuật chỉ thị phân tử RAPD để đánh giá sự tương đồng về gen của các dòng đã chọn lọc. Kết quả, các dòng có hệ số tương đồng gen cao trùng lặp với kết quả đánh giá, chọn lọc trên đồng ruộng. Cuối cùng nhóm nghiên cứu đã chọn lọc được 30 dòng khoai lang mang đầy đủ đặc tính của khoai lang Hoàng Long (Ninh Bình) về cả đặc điểm nông sinh học và chất lượng củ; đồng nhất về kiểu hình và kiểu gen; có năng suất, chất lượng vượt trội. Tiến hành sản xuất thí điểm giống khoai lang Hoàng Long đã được phục tráng tại xã Gia Sơn, (huyện Nho Quan), nhóm thực hiện đề tài đã thu được những kết quả khả quan, năng suất của 30 dòng khoai lang được chọn ổn định trong khoảng 26-28 tấn/ha, tăng gần 8 tấn so với năng suất giống chưa được phục tráng.
Ông Trần Văn Tước, thôn Đông Minh, xã Gia Sơn tham gia trồng thí điểm giống khoai lang Hoàng Long đã được phục tráng cho biết: mới chỉ qua 1 vụ nhưng khoai lang Hoàng Long phục tráng đã thể hiện đúng những ưu việt của giống, gia đình tôi trồng 2 sào nhưng thu về hơn 1 tấn củ. Bên cạnh đó, chất lượng củ cũng tốt hơn, ổn định, tỷ lệ nhiễm sâu bệnh hại thấp, thương lái rất ưa chuộng và mua với giá cao. Chủ nhiệm HTX Gia Sơn, Nguyễn Khắc Quyết phấn khởi nói với chúng tôi: Bà con nông dân rất hài lòng. Trong thời gian tới, HTX sẽ quy hoạch thành vùng sản xuất khoai lang tập trung để thuận lợi cho việc chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan thì chủ trương phát triển nông nghiệp của huyện trong thời gian tới là tập trung chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng, ưu tiên những cây trồng cho giá trị kinh tế cao, trong đó có cây khoai lang. Vì đây là cây trồng rất phù hợp với tập quán canh tác cũng như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện, trong khi đó sản phẩm dễ tiêu thụ, 1 sào khoai lang có thể cho thu nhập từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng. Diện tích có khả năng trồng cây khoai lang của huyện Nho Quan khoảng 2.000 ha, tuy nhiên thực tế hiện nay diện tích này mới đạt khoảng 1.200 ha. Đề tài phục tráng giống khoai lang Hoàng Long thành công sẽ giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất.
Nhằm quảng bá và nhân rộng mô hình, ngoài việc nghiên cứu, phục tráng, đề tài còn tổ chức hội thảo đầu bờ để nhân dân tham quan học hỏi, biết cách duy trì, phát triển giống khoai lang đặc sản của quê hương. Bà Trịnh Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) cho biết thêm: Giống khoai lang Hoàng Long là một trong những đặc sản độc đáo của Ninh Bình, hiện tại được bán ở một số điểm du lịch và được du khách đặc biệt ưa thích. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đề nghị đưa khoai lang Hoàng Long vào danh mục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng. Do vậy, chúng tôi rất mong bà con nông dân sau khi tiếp nhận giống khoai đã được phục tráng, trong quá trình sản xuất có ý thức giữ gìn, tránh để thoái hóa, lẫn tạp giống. Đồng thời hy vọng tỉnh cũng như huyện Nho Quan có những chính sách hỗ trợ để bà con có thể tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa, tiến tới xây dựng và bảo hộ thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm khoai lang Hoàng Long.
Hà Phương