Tham gia lớp dạy nuôi gà do Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức tại Nhà văn hóa thôn, chị Phạm Thị Thoa ở xóm 2, Ngọc Lâm, xã Yên Lâm cho biết, hiện tại, nhà tôi nuôi hàng chục con lợn, hàng trăm con gà. Thực ra ở nhà quê, hầu như nhà ai cũng nuôi lợn, nuôi gà nên nghĩ đâu cần phải học. Thế nhưng, tham gia vào lớp học, tôi được các giảng viên cung cấp nhiều kiến thức về cách phòng, tránh dịch bệnh cho gà, cách điều trị gà bị bệnh… Sau khi học, tôi về cải tạo lại chuồng trại để việc chăn nuôi "chuyên nghiệp" hơn, chắc chắn sẽ cho hiệu quả cao hơn.
Xuất phát từ quan điểm "cho cần câu hơn xâu cá", những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Yên Mô đã quan tâm đến công tác dạy nghề cho phụ nữ, đặc biệt là những hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ, coi đây là hướng giảm nghèo bền vững nhất. Để công tác dạy nghề mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, Hội Phụ nữ huyện đã lựa chọn những nghề phù hợp với nhu cầu, trình độ của người học, đồng thời gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn hoặc những nghề mang lại hiệu quả đối với công việc của nhà nông. Người lao động được học nghề theo cách "cầm tay chỉ việc", lý thuyết gắn với thực hành ngay tại đồng ruộng hoặc tại nơi sản xuất, qua đó giúp người học tiếp thu được trọn vẹn kiến thức.
Công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đã tạo niềm tin và nâng cao năng lực thoát nghèo cho người nghèo. Từ năm 2012 đến nay, Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp, tổ hợp tổ chức 116 lớp dạy nghề đan bèo bồng, thêu ren, may xuất khẩu, đính hạt cườm... cho 4.234 lượt người. Hỗ trợ và giới thiệu cho trên 3.500 phụ nữ và con em làm việc trong các doanh nghiệp, tổ hợp với thu nhập bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng, vận động trên 5.500 lao động nữ tiếp tục duy trì, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng và phát triển 13 làng nghề truyền thống của địa phương như: Mộc, nề, sản xuất vật liệu xây dựng, thảm cói, thêu ren, mây tre đan, gốm sứ, nem chua, bún bánh…, góp phần tăng thu nhập gia đình, tăng giá trị sản xuất hàng xuất khẩu của huyện.
Nhiều phụ nữ dám nghĩ, dám làm đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tổ hợp, tìm thị trường tiêu thụ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo uy tín với khách hàng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, trong đó chủ yếu là lao động nữ, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Đồng chí Bùi Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Mô cho biết thêm: Hiện nay, lao động nữ của huyện Yên Mô chiếm trên 60% lực lượng lao động nông nghiệp trong huyện. Ngoài chú trọng phát triển ngành nghề phụ, lao động nữ là lực lượng chủ lực trong việc ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, tích cực đưa những cây trồng, con nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Hàng năm, 100% cơ sở Hội, 90% chi hội đã phối hợp tổ chức chuyển giao KHKT thu hút 120.000 lượt hội viên, phụ nữ tham gia tín chấp mua 400 tấn phân bón trả chậm với số tiền trên 3,5 tỷ đồng tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ phát triển sản xuất.
Cùng với việc hướng dẫn KHKT, Hội Phụ nữ huyện đã tăng cường hoạt động tạo vốn để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội đang quản lý trên 465 tỷ đồng cho 13.184 lượt phụ nữ vay. 100% số cơ sở Hội tín chấp cho phụ nữ vay vốn với mức dư nợ từ 3,5 tỷ đồng trở lên, từ đó nhiều hội viên phụ nữ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao.
Không chỉ chú trọng làm giàu cho gia đình, hoạt động giúp phụ nữ nghèo được các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ phụ nữ nghèo có địa chỉ. Hàng năm, các cơ sở Hội tổ chức khảo sát, nắm chắc số lượng, tìm hiểu nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Thực hiện khâu đột phá "Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững", 100% cơ sở Hội đã vận động hội viên, phụ nữ tham gia ít nhất một loại hình tiết kiệm.
Kết quả, đã có 80% hội viên tham gia các loại hình tiết kiệm với số tiền 7 tỷ 534 triệu đồng, cho 1.952 lượt hội viên vay. Từ năm 2012 đến nay, các cấp Hội đã giúp gần 400 gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, 25 học sinh nghèo với số tiền trên 80 triệu đồng, tặng 40 suất học bổng, 10.000 quyển vở, 1.987 thẻ bảo hiểm toàn diện học sinh nghèo, giúp 3.184 công lao động, 255 con giống, 35 tấn lúa, với tổng trị giá 595,3 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 23 mái ấm tình thương với tổng trị giá 1 tỷ 060 triệu đồng. Với sự hỗ trợ thiết thực đó đã có 225 hộ thoát nghèo, trong đó có 145 hộ phụ nữ nghèo đứng chủ.
Nguyễn Hùng