Phụ nữ tích cực tham gia phát triển du lịch cộng đồng
Thứ Bảy, 12/10/2024, 02:05
Zalo
Phụ nữ tham gia phát triển du lịch cộng đồng không chỉ thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển mà còn góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa đặc sắc.
Phụ nữ tích cực tham gia phát triển du lịch cộng đồng
Chị Đinh Thị Liên, thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) là một trong những hội viên phụ nữ thành công trong làm du lịch cộng đồng. Sinh sống ở địa phương được thiên nhiên ưu đãi, vì vậy chị Liên cũng có nhiều thuận lợi để khởi nghiệp làm du lịch. Ban đầu, vợ chồng chị làm chèo đò ở bến thuyền Tam Cốc.
Để có kỹ năng phục vụ khách du lịch, chị Liên tích cực tham gia vào các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng do địa phương phối hợp với các ngành liên quan tổ chức. Những lớp học giúp chị được giao lưu, học hỏi, mở mang kiến thức, kỹ năng, quảng bá hình ảnh và văn hóa bản địa; tận dụng lợi thế sẵn có để thu hút du khách…
Sau mỗi chương trình tập huấn, chị Liên mạnh dạn và tự tin hơn. Từ năm 2016, chị Liên mua đất, đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng homestay gồm 6 phòng. Chị Liên thuê thêm 12 lao động làm các công việc bảo vệ, buồng, lễ tân, nấu ăn… để việc kinh doanh homestay bài bản, chuyên nghiệp. Hiện nay, mỗi tháng, homestay của chị Liên đón từ 60-70 khách du lịch, trong đó chủ yếu là người nước ngoài với mức giá phòng từ 400-500 nghìn đồng/ngày đêm, vào thời điểm cuối tuần thì giá phòng cao hơn.
Chị Liên chia sẻ: Tôi cũng tham gia vào CLB hát chèo ở địa phương để có thể biểu diễn phục vụ khách du lịch mỗi khi có sự kiện lớn. Nhìn chung, chúng tôi luôn cố gắng để mang lại một diện mạo mới cho vùng quê của mình, là sợi dây kết nối khách du lịch với những danh thắng ở địa phương.
Một vị khách người Hà Lan, lưu trú tại homestay của chị Liên cho biết, Ninh Hải là một miền quê xinh đẹp, nơi có nhiều danh thắng nổi tiếng. Ở đây, phụ nữ làm hầu hết các công việc phục vụ khách du lịch từ bán vé, chèo thuyền, bán đồ ăn… và họ luôn cho thấy sự chuyên nghiệp, dễ mến. Chắc chắn chúng tôi sẽ còn trở lại đây.
Bà Phạm Thị Tám, quyền Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ninh Hải cho biết, hiện nay, Hội Phụ nữ xã có trên 1.200 hội viên. Rất nhiều hội viên phụ nữ ở Ninh Hải làm nghề chèo đò phục vụ khách du lịch. Nhiều hội viên mạnh dạn mở các homestay hoặc kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn… Những năm qua, các hội viên kinh doanh dịch vụ du lịch luôn thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho du khách; tạo ra các sản phẩm lưu niệm; tạo không gian xanh-sạch-đẹp; biểu diễn các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc…
Để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, nhiều chị em chủ động tham gia các chương trình tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng kinh doanh du lịch; xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh và văn hóa bản địa; nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng.
Nhờ du lịch, kinh tế gia đình của các hội viên phát triển rõ rệt, góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu ở địa phương vào năm 2022. Hội viên phụ nữ Ninh Hải tích cực thực hiện các phong trào như: "Làm đường hoa kiểu mẫu", "Nhà sạch, vườn đẹp"; gìn giữ nét văn hóa đặc sắc trong Lễ hội đền Thái Vi, Tuần lễ Sắc vàng Tam Cốc; duy trì và phát triển mạnh mẽ CLB hát chèo… để tạo nên những nét đẹp riêng có của vùng đất Ninh Hải trong lòng du khách.
Chị Đinh Thị Liên (bên phải), thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) là một trong những hội viên phụ nữ thành công trong làm du lịch cộng đồng.
Xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) cũng là địa phương rất thành công trong việc phát huy vai trò của phụ nữ trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, tạo sức hút cho du lịch cộng đồng. Chị Đinh Thị Tuyết, ở thôn Bãi Cả, xã Cúc Phương là người rất say mê và có ý thức gìn giữ những câu hát giao duyên tiếng Mường.
Chị Tuyết bảo, từ nhiều năm nay, những người yêu văn hóa, văn nghệ truyền thống ở các thôn đã thành lập các đội, tổ, nhóm văn nghệ. Vừa là để tham gia biểu diễn, làm phong phú đời sống tinh thần cho bản thân, cộng đồng và quan trọng nữa là chung sức truyền dạy cho lớp trẻ những giá trị văn hóa truyền thống, những trò chơi dân gian đặc sắc của dân tộc mình.
Cũng theo lời chị Tuyết, tình yêu và sự say mê với văn hóa dân tộc mình không phải tự nhiên mà có. Việc của người lớn là định hướng, truyền dạy để con cháu mình không xa lạ với văn hóa truyền thống. Hàng tuần, trong các buổi sinh hoạt đội văn nghệ của thôn, chị Tuyết say sưa hát và tích cực truyền dạy.
"Người Mường có nhiều nét văn hóa đặc trưng. Những câu hát giao duyên, rằng xường, bọ mẹng… thường được đồng bào hát ở các lễ hội, Tết, chương trình, sự kiện diễn ra ở địa phương và biểu diễn phục vụ khách du lịch có nhu cầu thưởng thức văn hóa dân tộc Mường. Nhiều du khách tỏ ra thích thú ngay từ lần nghe đầu tiên. Những câu hát còn khơi gợi cho du khách sự tò mò, muốn tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng của người Mường..."- chị Tuyết nói.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương chia sẻ: Cùng với nỗ lực của tỉnh, của huyện, xã Cúc Phương cũng có nhiều cố gắng nhằm gìn giữ nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc Mường. Hội Phụ nữ xã thành lập các CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng. Khi tham gia sinh hoạt các CLB, hội viên cũng tích cực giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động, tìm hiểu bản sắc văn hóa các vùng, miền từ các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh; sưu tầm, biên tập, lưu giữ các làn điệu dân vũ, hát giao duyên, sắc bùa; tham gia hướng dẫn, truyền dạy cho thế hệ trẻ về giá trị truyền thống của quê hương.
Thực tế cho thấy, phụ nữ chính là những nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, lan tỏa tình yêu, trách nhiệm và ý thức giữ gìn văn hóa tới cộng đồng, cùng chung tay lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong 2 năm trở lại đây, đội văn nghệ của phụ nữ xã cũng đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ các đoàn khách có nhu cầu thưởng thức các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường khi về với Cúc Phương.