Gia đình chị Đinh Thị Hảo, ở thôn Tân Long Mỹ, xã Gia Lập là một trong những hộ nghèo đã phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ và nhanh chóng vươn lên thoát nghèo. Trước đây thu nhập chính của gia đình chỉ chông chờ vào vài sào ruộng trũng trong khi các con đều đang ở tuổi ăn tuổi học do vậy cái nghèo cứ thế theo đẳng. Được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ huyện Gia Viễn, năm 2011 chị Hảo được vay 20 triệu đồng, cùng với vốn tích góp của gia đình, chị đầu tư xây dựng chuồng trại chăn gà, vịt đẻ trứng, lò ấp trứng và cải tạo ao nuôi cá…
Hiện trong chuồng gia đình chị luôn duy trì trên 1.000 vịt đẻ trứng, gần 100 gà thương phẩm... mỗi năm thu được trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi. Chị Hảo cho rằng: đồng đất quê hương chính là tài sản lớn nhất của người nông dân. vì vậy chỉ có thể dựa vào đó để thoát nghèo. Đặc biệt khi có thêm sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, trong đó vai trò của Hội phụ nữ được thể hiện rõ nét thì chị cũng như nhiều hội viên khác đã định hình được phương thức làm ăn, yên tâm sản xuất, liên tục cập nhật những kỹ thuật mới trong trồng trọt chăn nuôi, từ đó ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, để việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững có hiệu quả, các cấp hội phụ nữ huyện Gia Viễn đã khảo sát và tìm hiểu rõ nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời phát động cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện thực hành tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo đứng chủ với hình thức tiết kiệm chi tiêu 10.000 đồng/người/tháng và được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia. Các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã thực hiện mô hình giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, với các hình thức như: giúp cây, con giống, vay vốn, trao đổi kiến thức kinh nghiệm sản xuất…
Để hội viên có vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, các cấp hội còn tích cực khai thác các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách-Xã hội, quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế từ Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT… cho trên 6.400 nghìn hội viên vay với số vốn gần 95 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay phối hợp với các ngành chức năng mở 9 lớp dạy nghề thêu ren, đính hạt cườm, trồng nấm rơm cho gần 300 hội viên. Đồng thời tiếp tục duy trì các nghề phụ và nghề truyền thống như móc sợi, khâu nón, đan cót… Toàn huyện hiện nay có khoảng hơn 3 nghìn tay kim tập trung nhiều ở các xã Gia Xuân, Gia Lập, Gia Thịnh với thu nhập bình quân từ 450.000 đến 550.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, ở 100% xã, thị trấn trong huyện, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức được các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật về phòng, chống rét cho mạ, chăm sóc lúa chiêm xuân, phòng trừ sâu bệnh hại lúa… thu hút gần 6 nghìn người tham gia. Đặc biệt, Hội Phụ nữ huyện tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở hội duy trì hoạt động khai thác, quản lý có hiệu quả nguồn tiết kiệm tại chi hội. Hiện nay tổng số tiền tiết kiệm đã đạt 1.391 triệu đồng, bình xét cho 498 hội viên phụ nữ vay để phát triển sản xuất. Với nhiều hoạt động thiết thực, năm 2014 trên địa bàn huyện Gia Viễn đã có 40 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ vươn lên thoát nghèo.
Chị Mai Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Gia Viễn cho biết: Nhờ phát huy được hiệu quả từ phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay, đến nay nhiều gia đình hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ huyện Gia Viễn sẽ tiếp tục khai thác nguồn vốn từ các ngân hàng cho chị em vay để phát triển kinh tế. Chỉ đạo các cơ sở hội kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn cho các gia đình hội viên phụ nữ tại cơ sở.
Đào Duy