Khó khăn trong tiêu thụ
Nhiều nông dân ở xã Phú Long, huyện Nho Quan cho biết: Trước kia với 1 ha sắn, bà con có thể thu được 23-25 tấn củ tươi với giá bán 1.000-1.200 đồng/1kg, sau khi trừ chi phí bà con thu lãi từ 15-20 triệu đồng. Còn với cây mía, 1 ha thu lãi 30-40 triệu đồng là chuyện bình thường.
Do vậy, những năm trước nhiều người dân Phú Long đã thoát nghèo, làm giàu nhờ những cây trồng này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại loại cây trồng dài ngày này của xã đang đứng trước những thử thách không nhỏ bởi nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
Cụ thể với cây sắn, 2 năm trở lại đây giá sắn liên tục giảm, từ mức 2.000 đồng/kg xuống còn 800 đồng/kg, 500 đồng/kg. Thậm chí năm 2016 này, sắn đã quá thời điểm thu hoạch nhưng vẫn đứng trên vườn bởi các nhà máy chế biến tinh bột thu mua chậm.
Bà Nguyễn Thị Bé ở thôn 5, Phú Long chia sẻ: "Nhà chỉ có hơn 1 ha sắn, nhưng đến giờ này vẫn chưa có ai mua. Chẳng nhẽ để vậy nên gia đình đành thu hoạch rồi thái lát phơi khô cất đi, lúc nào bán được thì bán, lấy đất còn trồng cây khác".
Không chỉ có cây sắn, cây mía cũng đang vướng phải những vấn đề nan giải. Toàn xã Phú Long có 220 ha mía trắng và 30 ha mía đỏ.
Như thời điểm này mọi năm toàn bộ diện tích này đã cơ bản thu hoạch xong nhưng năm nay nhiều vườn mía vẫn đứng đó mặc cho phần nửa lá trên cây đã khô trắng.
Ông Trần Đình Lai, thôn 4 cho biết: 2-3 ngày nhà máy mới nhập 1 lần, cả xã chỉ mấy hộ được chặt. Nông dân chúng tôi sốt ruột lắm, nếu 1-2 tháng nữa mới bán được mía thì cũng đã qua khung thời vụ của nhiều loại cây trồng khác".
Cây mía trắng đã vậy, cây mía đỏ còn thảm hại hơn bởi toàn bộ diện tích này là do bà con trồng tự phát, phát triển nhanh, phẩm cấp không so sánh được với mía đỏ Hòa Bình trong khi đó trên thị trường còn nhiều loại hoa quả khác để người tiêu dùng lựa chọn.
Cần những giải pháp đồng bộ
Nhằm từng bước giải quyết khó khăn trong sản xuất của bà con nông dân Phú Long, mới đây, Trung tâm ứng dụng công nghệ cao & xúc tiến thương mại nông nghiệp, Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh tổ chức lễ ký kết hợp đồng tiêu thụ dứa nguyên liệu cho bà con nông dân nơi đây.
Thực tế cây dứa cũng vốn là một trong những cây trồng chủ lực của xã Phú Long với diện tích hàng năm vào khoảng 50 ha (chưa kể diện tích thầu khoán của Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao).
Đây là cây trồng cho thu nhập cao và khá ổn định, trung bình 100 triệu đồng/1ha. Tuy nhiên do những hạn chế về kỹ thuật canh tác cộng thêm việc chưa có một đầu mối ổn định để bao tiêu sản phẩm nên việc mở rộng diện tích còn nhiều hạn chế. Sự hợp tác này đã mở ra một triển vọng mới trong sản xuất của bà con nông dân.
Ông Nguyễn Trương Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh cho biết: "Dứa đóng hộp là một trong những sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường thế giới và nhu cầu đang tăng lên từng ngày. Đây là sản phẩm chủ lực của Công ty. Hiện tại, năng lực chế biến của Công ty là 2.500-3.000 tấn dứa/năm và sẽ tăng lên gấp đôi vào năm sau, do vậy Việt Xanh mong muốn xây dựng được một vùng nguyên liệu ổn định với diện tích rất lớn".
Chủ tịch xã Phú Long, ông Lương Mạnh Tường khẳng định: Ngoài dứa và mía trắng là 2 cây trồng chủ lực của xã, chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm, lựa chọn những giống cây khác có khả năng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng với năng suất, chất lượng cao để đưa vào canh tác.
Kết hợp với các nhóm giải pháp như: tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn; kêu gọi các dự án đầu tư nhằm tăng nguồn vốn thâm canh và đầu tư chế biến, ký kết tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, tỉnh ta đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tập trung ưu tiên cho các xã vùng cao, xã nghèo, khó khăn. Do vậy câu chuyện khó khăn trong tiêu thụ một số nông sản tại Phú Long đang rất cần chính quyền và các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu đưa ra những giải pháp cụ thể, đồng bộ hơn nữa, qua đó giúp người nông dân có lựa chọn cây trồng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng kèm theo việc định hướng tiêu thụ sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất; tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu