Được biết, thời điểm đó, Phú Lộc là xã nông thôn mới thứ 3 của huyện Nho Quan. Nhờ có Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới mà kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Phú Lộc đã được đầu tư nâng cấp khang trang, hiện đại. Để hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn, tiêu chí được xác định là khó thực hiện của địa phương, xã Phú Lộc đã thành lập Ban giám sát làm đường ở các thôn, xóm do đồng chí Bí thư chi bộ, hoặc Trưởng thôn phụ trách.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo xã và ban giám sát các thôn đều tổ chức họp bàn, đảm bảo công khai, dân chủ các khoản đóng góp, từ đó người dân nhận thức được lợi ích, đồng sức, đồng lòng ủng hộ.
Theo thống kê, toàn xã đã hiến gần 20 nghìn m2 đất cùng với trên 1.800 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 10 tỷ đồng.
Toàn xã đã làm xong 33 km đường giao thông liên xã, liên thôn với 100% đường giao thông thôn, xóm; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, bê tông hóa, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt.
Đối với tiêu chí nhà văn hóa, do có sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân nên mỗi thôn đều xây dựng được nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng.
Cụ thể như: nhà văn hóa thôn Rịa, nhân dân đã bàn bạc, thống nhất đóng góp tiền của, công lao động xây dựng với diện tích 120 m2, trị giá trên 380 triệu đồng.
Ở Phú Lộc 15/15 thôn đã có nhà văn hóa đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, học tập cộng đồng của nhân dân. Đối với tiêu chí trường học, địa phương đã có 3 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có trường Tiểu học đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương chú trọng công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo. Phú Lộc là địa phương đầu tiên của huyện thực hiện thành công việc dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Sau dồn đổi ruộng, mỗi hộ dân canh tác 3 thửa ruộng thay vì có 8-10 thửa/hộ trước đây.
Xã đã tập trung vận động nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.
Đặc biệt mô hình lúa - cá đem lại thu nhập cao cho người dân. Giá trị trên 1 ha đất canh tác đạt 70 triệu đồng, tăng 25 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,26%. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 27 triệu đồng/năm.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết: Sau lễ đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương còn "bộn bề" những công việc: Hoàn thiện các tiêu chí; tính toán trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản với con số hơn 10 tỷ đồng, gồm: nợ kinh phí đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã, trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, trạm y tế, tiền mua xi măng trả chậm làm các đường giao thông...
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Phú Lộc đã huy động sự tham gia đóng góp tích cực của nhân dân, các doanh nghiệp và con em quê hương đang công tác, làm ăn khắp mọi miền Tổ quốc. Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới là hơn 187 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp là gần 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm sâu sát của các cấp, các ngành, đoàn thể về cơ chế, chính sách nên Phú Lộc có điều kiện để đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu.
Trong đó, phải kể đến việc xây dựng quy hoạch, phân khu tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất gần 40 lô có giá trị dọc đường 12B để có thêm nguồn kinh phí thanh toán nợ.
Đã gần 2 năm đạt danh hiệu nông thôn mới, đến nay, các khoản nợ trong đầu tư xây dựng nông thôn mới ở Phú Lộc đã được trả xong. Hơn nữa, nhiều tiêu chí được duy trì, giữ vững. Ngoài ra, xã còn củng cố nâng cấp được Trung tâm giao dịch một cửa của xã, phòng làm việc cho Ban công an xã, hỗ trợ đầu tư thêm trang thiết bị cho các nhà văn hóa thôn và các trường học...
Bài, ảnh: Nguyễn Minh