Việc đa dạng hóa các mô hình sản xuất ở Phú Lộc bắt đầu từ nhu cầu thực tại, đó là những năm gần đây cơ cấu sản xuất nông nghiệp của xã tuy có bước chuyển dịch nhưng tốc độ còn chậm. Trong nông nghiệp, giá trị sản xuất ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ lệ lớn; chăn nuôi phát triển nhưng chưa tương xứng, nhất là nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh nhưng các giải pháp thực hiện thiếu đồng bộ, chưa mang tính chiến lược lâu dài. Sản xuất nông nghiệp của xã vẫn nhỏ lẻ và chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên nhiên, chưa hình thành vùng sản xuất có quy mô lớn. Với suy nghĩ, cần có những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng trên, tạo bước chuyển dịch tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao mức sống cho người dân, năm 2011, BCH Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó chú trọng các giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; tiến hành xây dựng các mô hình gia trại, trang trại, đồng thời yêu cầu HTX tích cực phối hợp ngành chức năng cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn xóm, hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm; từng bước giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, Phú Lộc chú trọng đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Phú Lộc hiện có 485 ha đất sản xuất nông nghiệp, được chia làm 3 vùng sản xuất chính: Vùng sản xuất hai vụ lúa, vùng sản xuất ruộng màu và vùng ruộng trũng chỉ cấy được một vụ lúa ăn chắc.
Thực hiện Nghị quyết BCH Đảng bộ xã, Phú Lộc bắt tay vào khai thác lợi thế từng mặt của diện tích đất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh.
Cụ thể: trên vùng diện tích hai lúa, xã tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa theo hướng năng suất, chất lượng cao và đảm bảo về khâu phòng, trừ, chăm bón.
Vùng diện tích trồng màu được xã chỉ đạo đưa các loại cây trồng có giá trị như lạc, ớt xuất khẩu, ngô, mía đỏ, rau các loại vào sản xuất. Đối với vùng ruộng trũng, Phú Lộc khuyến khích bà con áp dụng và nhân rộng mô hình trồng lúa kết hợp với thả cá với quy mô gia trại, trang trại.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Phú Lộc vận động bà con tích cực đưa các loại con nuôi đặc sản như nuôi hươu, nhím, nuôi bò... Đây là những con nuôi có thể tận dụng thế mạnh đồng cỏ và các sản phẩm phụ từ nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Điều đáng nói, trong quá trình đa dạng hóa các mô hình sản xuất, Phú Lộc coi trọng xây dựng các mô hình điểm với bước đi thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhân rộng và phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở để người dân trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến. Nhờ vậy đã tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.
Hiện nay, ở Phú Lộc, nhiều hình thức sản xuất quy mô lớn đã và đang hình thành như: mô hình thâm canh một vụ lúa - một vụ cá có quy mô từ 250-300 ha; mô hình gieo cấy lúa chất lượng cao (30ha); mô hình thâm canh ớt xuất khẩu (7-15ha); mô hình trồng cỏ nuôi bò cùng nhiều trang trại lúa- cá tổng hợp; trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Thành công bước đầu từ đa dạng hóa các mô hình sản xuất ở Phú Lộc đã tạo bước chuyển tích cực trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Hiện nay, tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người ở địa phương đạt 29 triệu đồng/năm, tăng 2,2 triệu đồng so với năm 2014. Và quan trọng hơn cả là các mô hình sản xuất khi được áp dụng hiệu quả sẽ tạo những thay đổi về chất trong duy trì và phát huy các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Phú Lộc.
Mai Lan