Thăm làng văn hóa Phú Hạ (xã Khánh An), chúng tôi thực sự ấn tượng về sự phát triển của thôn. Những ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng khang trang, đường làng đã được bê tông hóa; đình, làng, nhà văn hóa, sân thể thao rộng rãi, sạch sẽ. Thôn Phú Hạ có 136 hộ với hơn 400 khẩu. Năm 2002, thôn đã được công nhận danh hiệu làng văn hóa. Từ đó nhân dân trong thôn không ngừng đoàn kết duy trì nếp sống văn hóa.
Bác Trịnh Xuân Thứ, Bí thư Chi bộ thôn tự hào cho biết: Sự đoàn kết, tương trợ chính là sắc thái văn hóa ở Phú Hạ. Khi một gia đình trong thôn có công việc thì các gia đình đều đến giúp. Cũng nhờ đoàn kết thống nhất, năm 2003 thôn lập được tổ vệ sinh môi trường. Năm 2004, bê tông hóa đường làng, tiếp đến là xây dựng nhà văn hóa. Thôn luôn nêu cao tinh thần dân chủ trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, các thiết chế về văn hóa, thể thao.
Để từng bước giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Chi bộ thôn đã đề ra nghị quyết cụ thể phù hợp với tình hình địa phương, như: Đẩy mạnh phát triển các nghề phụ cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao như mô hình VAC, chăn nuôi lợn thịt, thả cá của gia đình ông Đinh Văn Khanh, Đinh Văn Toản, Nguyễn Văn Xiêm trừ hết chi phí, mỗi năm thu nhập từ 60-80 triệu đồng.
Những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, buôn bán, dịch vụ được mở rộng và phát triển cũng tạo thêm nguồn thu nhập lớn trong nhân dân. Hiện, cả thôn có gần 80% hộ giàu và khá, nhiều hộ có nhà cao tầng, 100% số hộ sử dụng điện sinh hoạt và có công trình vệ sinh khép kín, hầu hết các gia đình đã có xe gắn máy, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển nên đời sống tinh thần được quan tâm chú ý hơn. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển mạnh mẽ, tạo khí thế thi đua trong các tầng lớp nhân dân.
Cũng như ở thôn Phú Hạ, những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được huyện Yên Khánh tích cực triển khai và đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của phong trào, các nội dung, tiêu chí công nhận các danh hiệu văn hóa được các ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm. Hàng năm, huyện thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá, rà soát, qua đó kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến trong phong trào. Công tác bình xét danh hiệu văn hóa ở cơ sở được huyện chỉ đạo bài bản, dân chủ, công khai, bảo đảm các tiêu chí đề ra…
Nét nổi bật trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Yên Khánh là đã khơi dậy tinh thần đoàn kết của nhân dân cùng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng mô hình trang trại, tạo việc làm, tăng thu nhập bình quân năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ hộ giàu ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,2%... ý thức xây dựng cảnh quan môi trường trong các hộ gia đình, thôn, xóm, cơ quan, đơn vị được chú trọng. Cho đến nay, một số hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được loại bỏ dần, thay thế vào đó là nếp sống văn minh, tiết kiệm. Cũng từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, nhiều đoàn viên, thanh niên có nghị lực và ý chí vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ.
Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao, thơ ca được thành lập, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Hộ gia đình đạt gia đình văn hóa chiếm 90,95%; có 217/268 thôn, xóm, phố đạt danh hiệu văn hóa, đặc biệt có những làng văn hóa luôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa trên 10 năm như xóm 5 Mỹ Đức (Khánh Thành) …
Phong trào xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư tham gia góp ngày công, góp tiền để xây dựng nhà văn hóa, đảm bảo dân chủ, công khai. Sau khi xây dựng, đa số các nhà văn hóa được nhân dân ở các thôn, xóm ủng hộ mua sắm vật dụng thiết yếu như bàn, ghế, quạt mát, loa đài... Hầu hết các nhà văn hóa đã được sử dụng đúng mục đích, phát huy tác dụng, trở thành nơi hội họp của các tổ chức đoàn thể, chi bộ, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ bổ ích của cộng đồng dân cư.
Hiện nay, toàn huyện đã có 224/268 thôn, xóm, phố có nhà văn hóa, đạt 83,58% (tăng 52 nhà văn hóa so với năm 2009). Điển hình là các xã Khánh Phú, Khánh An, Khánh Tiên, Khánh Thiện, Khánh Cường, Khánh Thành, Khánh Trung, Khánh Công, Khánh Thủy, Khánh Cư và Khánh Mậu có 100% thôn, xóm xây dựng được nhà văn hóa.
Bài, ảnh: Hà Mi