Mặc dù được đánh giá là địa phương làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tuy nhiên, mỗi năm tỉnh ta vẫn xảy ra vài vụ xâm hại tình dục trẻ em. Chúng tôi được nghe câu chuyện về em Đinh Thị X, ở xã Gia Thủy, huyện Nho Quan. Em X. sinh năm 2002, trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố bỏ đi khi em còn đỏ hỏn, em sống nhờ sự chắt chiu, lam lũ của người mẹ tàn tật. Hoàn cảnh khó khăn nên em nghỉ học sớm để ở nhà phụ giúp mẹ mưu sinh, rồi em quen biết với một nam thanh niên ở xã Gia Lâm là Bùi Văn H. Lợi dụng sự ngây thơ của X, nhiều lần H. đã có hành vi xâm hại tình dục đối với em. Sự việc bị phát giác, H. đang phải ngồi tù để trả giá cho lỗi lầm mình gây ra, song với em Đinh Thị X. thì đó vẫn còn là nỗi đau chưa dễ gì quên được. Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục ở tỉnh ta tập trung nhiều ở lứa tuổi THCS. Qua trò chuyện, các em và gia đình đều khẳng định rằng đó là sự tổn thương khó có thể xoa dịu được trong một sớm một chiều. Nói về nguyên nhân của các vụ xâm hại thì có rất nhiều, tuy nhiên cũng phải thẳng thắn rằng, những trẻ em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ bị xâm hại hơn bởi đối với vùng nông thôn, đa số bà con có đông con. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên bố mẹ phải vất vả mưu sinh mà chưa có nhiều thời gian chăm sóc, quan tâm đến con trẻ. Bên cạnh đó, ngay cả ở những gia đình có điều kiện, thì mặc dù trẻ em được cha mẹ chăm lo đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu quan tâm trang bị, hướng dẫn con những kỹ năng sống, các ứng xử với bạn bè… bởi vậy, bản thân các trẻ chưa có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân và phòng, tránh nguy cơ bị xâm hại.
Với trách nhiệm của mình, những năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trong đó nổi bật là tăng cường công tác tuyên truyền trực tiếp thông qua việc tổ chức các diễn đàn cho trẻ em và các bậc phụ huynh. Tại một buổi diễn đàn dành cho trẻ em gái tại xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, điều nhận thấy rõ nhất là phần lớn các em đều rất háo hức để tham gia, tuy nhiên, mặc dù đã được phổ biến trước mục đích của buổi diễn đàn song có khá nhiều em vẫn còn bỡ ngỡ, dè dặt. Qua trao đổi với các em học sinh, chúng tôi nhận thấy đa số các em đều nắm được những kiến thức cơ bản, tuy nhiên, vẫn còn nhiều kiến thức quan trọng liên quan đến việc thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em theo Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và đặc biệt là các khái niệm thế nào là trẻ em bị xâm hại về thể chất và tinh thần, bị xâm hại tình dục và nhân phẩm, bị ngược đãi, hành hạ; bị phân biệt đối xử?… thì nhiều em vẫn chưa nắm được. Để diễn đàn đạt được hiệu quả cao nhất, ngành Lao động đã biên soạn, tập hợp những kiến thức quan trọng và diễn đạt một cách dễ nhớ, dễ hiểu nhất để các em có thể tiếp thu nhanh, đồng thời mỗi một vấn đề Ban tổ chức đều xây dựng các tình huống cụ thể để các em tham gia thảo luận, đưa ý kiến để giải quyết tình huống.… Dưới hình thức đối thoại trực tiếp, các em được bày tỏ ý kiến, suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của mình đối với các cấp, các ngành qua các thông điệp về chiến lược bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Từ hiệu quả đạt được sau mỗi diễn đàn, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục mở các diễn đàn tương tự ở các địa phương khác trong tỉnh để nhiều học sinh nữa được tham gia vào các diễn đàn như thế này.
Không chỉ tổ chức các diễn đàn dành cho trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ trẻ em cho lãnh đạo, những người đứng đầu các tổ chức đoàn thể ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó ưu tiên những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cùng với đó, ngành Giáo dục cũng cần có nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm trang bị cho trẻ những kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản và những kỹ năng sống cần thiết để có thể tự bảo vệ mình. Ngoài ra, vai trò của gia đình, các bậc phụ huynh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc bảo vệ cho con em mình tránh khỏi hiểm họa xâm hại tình dục. Các phụ huynh cần gần gũi, quan tâm tới con nhiều hơn, kịp thời trao đổi, giải đáp các thắc mắc tâm sinh lý tuổi mới lớn. Đặc biệt là trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình yêu, giới tính và kỹ năng tự bảo vệ mình, giúp trẻ em gái tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống và các mối quan hệ xã hội, từ đó đưa ra lời khuyên, sự trợ giúp cho con đúng cách và kịp thời, tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc và đau lòng.
Nguyễn Hùng