Mới đầu mùa hè, nhưng trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã thông tin về nhiều vụ đuối nước thương tâm của trẻ em xảy ra rải rác ở khắp cả nước. Mỗi khi có vụ việc đuối nước xảy ra, để lại sự đau đớn, day dứt và ân hận muộn màng của người lớn và cả xã hội. Theo số liệu của Bộ LĐ, TB&XH, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng trên 2 nghìn trẻ đuối nước, xảy ra ở khu vực nông thôn cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị. Đặc biệt, đuối nước gặp chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ học dịp hè.
Tại Ninh Bình, theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH, mỗi năm cũng có hàng chục vụ trẻ em tử vong do đuối nước, chiếm cao nhất trong số các vụ tai nạn thương tích của trẻ. Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ; năm 2019 là 25 vụ và năm 2020 là 20 vụ. Mặc dù số vụ tai nạn đuối nước có xu hướng giảm dần, nhưng số lượng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn còn cao và kết quả này sẽ không duy trì bền vững nếu gia đình và xã hội không có những biện pháp mạnh trong phòng, chống.
Nhiều người còn nhớ vụ đuối nước thương tâm làm 2 trẻ em tử vong tại sông Tàu Hút, xã Cồn Thoi (huyện Kim Sơn) năm 2020. Ông Bùi Quang Biên, Trưởng xóm 7B, xã Cồn Thoi cho biết: Khi tai nạn đáng tiếc xảy ra, là bài học cho nhiều gia đình có con nhỏ sống gần sông ngòi, ao hồ, cần nâng cao cảnh giác, thận trọng, sát sao hơn trong việc trông coi, giám sát con trẻ. Bởi tai nạn đuối nước là một trong số tai nạn nguy hiểm nhất, chỉ 1 phút sơ sẩy, lơ là cũng có thể phải đánh đổi cả tính mạng con người...
Hiện nay đã đến mùa hè và học sinh các trường chuẩn bị nghỉ hè, nguy cơ tai nạn đuối nước luôn rình rập các em. Nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn đuối nước là do các em không biết bơi, thiếu kỹ năng xử lý khi xảy ra tai nạn. Một số trẻ em thành phố và cả khu vực nông thôn thiếu không gian vui chơi dẫn đến việc rủ nhau ra sông hồ, ao ngòi để tắm, trong khi những nơi này không có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm hoặc ở xa khu dân cư, ít người qua lại, nên khi trẻ rơi vào tình thế nguy hiểm không nhận được sự trợ giúp kịp thời của người lớn.
Hơn nữa, sự thiếu quan tâm của phụ huynh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn thương tâm này. Do vậy, việc trang bị những kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em vào mùa hè đang trở nên vô cùng quan trọng và cần thiết. Hiện nay, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự thay đổi trong nhận thức của các bậc phụ huynh, những lớp học bơi phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em đã được mở nhiều hơn trên tinh thần xã hội hóa, phối hợp của nhiều đơn vị cùng thực hiện và bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực.
Từ 3 năm học gần đây, Trường Tiểu học Trường Yên (huyện Hoa Lư) đã đưa môn bơi vào chương trình học thể dục chính khóa cho tất cả các khối lớp. Để làm được điều này, nhà trường nhận được sự hỗ trợ trong việc lắp đặt bể bơi thông minh theo phương thức trả góp kinh phí ngay tại trường, với diện tích gần 100m2. Đồng thời, nhà trường huy động thêm nguồn xã hội hóa lắp đặt mái che, tường rào và duy trì dạy học môn bơi trong trường. Mỗi năm, học sinh đóng thêm một khoản chi phí nhất định và được phụ huynh học sinh thống nhất thông qua.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hoán, giáo viên dạy thể dục Trường Tiểu học Trường Yên cho biết, qua hơn 3 năm đưa vào giảng dạy môn bơi tại trường cho thấy hiệu quả tích cực. Các em học sinh khối lớp 4, 5 kết thúc năm học và khi tốt nghiệp Tiểu học đạt 80% học sinh biết bơi, trong đó nhiều em biết bơi nhiều kiểu và có kỹ thuật; còn lại 20% tự tin tiếp xúc và không còn sợ hãi với nước. Đặc biệt, nhờ đưa môn bơi vào dạy và tập luyện, nhà trường đạt nhiều thành tích, mỗi năm đạt hàng chục huy chương trong các Giải bơi của huyện, của tỉnh. Trường liên tục là đơn vị dẫn đầu huyện Hoa Lư về phong trào thể dục thể thao trong trường học.
Theo ông Đàm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm thanh thiếu nhi tỉnh cho biết, muốn tránh, giảm được tình trạng đuối nước, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với đó là biết các kỹ năng an toàn khi tham gia môi trường nước, biết được vùng nước nông, sâu, vùng nguy hiểm để phòng tránh. Đồng thời, cũng cần trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước, như cứu người đuối nước bằng ném các vật nổi cho nạn nhân sử dụng, nhanh chóng thông báo với người xung quanh khi có người gặp nạn... để hỗ trợ khi cần thiết.
Những năm qua, Trung tâm thanh thiếu nhi tỉnh ngoài việc chủ động tổ chức các lớp dạy bơi tại Trung tâm, các Giải bơi của ngành Giáo dục, còn phối hợp với các nhà trường trên địa bàn thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư đưa đón, dạy bơi cho học sinh các trường Tiểu học và THCS. Mỗi năm, Trung tâm phối hợp tổ chức hàng chục lớp bơi, thu hút hàng trăm học sinh các cấp học tham gia. Đồng thời, phối hợp với các nhà trường tập huấn phương pháp dạy bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước và sơ cấp cứu đối với người bị nạn cho cán bộ, giáo viên cốt cán môn thể dục các trường phổ thông…
Nhằm kiểm soát tình trạng tai nạn đuối nước, tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận và triển khai Dự án "Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em ở Việt Nam" do Quỹ từ thiện Bloomberg (Hoa Kỳ) tài trợ. Dự án thực hiện trong 2 giai đoạn, năm 2018-2020 và 2021-2022. Theo đó, 10 xã của huyện Kim Sơn được lựa chọn để thực hiện dự án này. Mục tiêu dự án hướng tới là có 500 trẻ em trong vùng dự án biết bơi. Tuy nhiên, từ khi triển khai giai đoạn 1 dự án đến nay, tại các địa phương còn gặp khó khăn do thiếu bể bơi phục vụ nhu cầu tập bơi cho trẻ.
Đuối nước ở trẻ vị thành niên luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Vì vậy, việc cần thiết nhất vẫn là gia đình cần quan tâm, nhắc nhở các em biết những nguy cơ có thể gây ra tai nạn, chọn bơi lội ở đâu để đảm bảo an toàn. Cùng với đó, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên trách trong việc kiểm tra, rà soát, kịp thời cảnh báo và khắc phục ngay các địa điểm, công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, dễ gây tai nạn cho trẻ... phấn đấu không để xảy ra những vụ tai nạn thương tích, đuối nước thương tâm, giúp trẻ em có một mùa hè đúng nghĩa.
Bài, ảnh: Đức Bá