Ông Đỗ Khắc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề đá mỹ nghệ. Ông Cường kể, tuổi thơ của thế hệ ông là một buổi đi học văn hóa ở trường, một buổi theo học nghề đá do chính cha, ông mình truyền dạy. Một phần, do gia đình muốn con em mình tham gia hoạt động kinh tế, nhưng quan trọng hơn cả là các gia đình đều muốn truyền dạy nghề truyền thống, gìn giữ tinh hoa văn hóa của quê hương, của dòng họ với kỳ vọng, khi trưởng thành con cái sẽ có tay nghề điêu luyện. Và theo các cụ, học nghề càng sớm người thợ sẽ càng có tay nghề cao khi đến tuổi trưởng thành. Tư tưởng ấy vô tình "đẩy" trẻ em địa phương vào tình trạng phải lao động sớm.
Năm 2013, xã Ninh Vân cùng với các xã Ninh Hải (Hoa Lư), Lai Thành, Xuân Thiện (Kim Sơn) được lựa chọn triển khai Chương trình hành động nhằm bảo vệ trẻ em lao động và phòng chống, xóa bỏ lao động trẻ em do Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng tổ chức lao động quốc tế ILO tại Việt Nam triển khai. Đây là bốn địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ em phải lao động sớm ở các ngành nghề về điêu khắc đá, đan cói, thêu đan, dịch vụ du lịch và các lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khác.
Theo khảo sát tại thời điểm triển khai, tại các xã triển khai dự án có trên một nghìn trẻ em dưới 17 tuổi đang làm các công việc độc hại. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số trẻ em phải lao động sớm đều xuất thân trong các làng nghề truyền thống, các em tham gia lao động từ nhỏ theo lối truyền nghề. Trẻ em làng nghề chịu ảnh hưởng kép, vừa chịu ô nhiễm môi trường sống, vừa phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; trẻ em làm việc trong những nghề có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục, bị buôn bán, bị bóc lột, như dịch vụ du lịch (hướng dẫn du lịch, chèo đò, bán hàng rong cho khách du lịch, phục vụ các nhà hàng, khách sạn, trẻ em tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa xuất khẩu dựa vào sử dụng lao động giá rẻ. Trẻ em thường làm những công đoạn có giá trị thấp nhất, trẻ tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống của hộ gia đình hoặc làm thuê và hoạt động khai thác tự nhiên như đánh bắt thủy hải sản; trẻ em phải tham gia lao động sớm để chia sẻ gánh nặng kiếm sống cùng cha mẹ.
Chương trình Hành động về bảo vệ trẻ em lao động và phòng, chống, xóa bỏ lao động trẻ em đã hướng đến ít nhất 1.000 trẻ em, trong đó ít nhất có 50% là trẻ em gái dưới 18 tuổi đã nghỉ học hoặc đang có nguy cơ nghỉ học, đang làm việc trong các lĩnh vực: điêu khắc đá; làm cói, thêu đan và dịch vụ du lịch, các ngành nghề nguy hiểm khác ở bốn xã dự án. Những trẻ em này được cung cấp những dịch vụ phúc lợi xã hội cần thiết và phù hợp, được giải phóng khỏi công việc nguy hiểm và được trang bị kiến thức phổ thông và đào tạo nghề.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã Ninh Vân và Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định tổ chức tuyển sinh lớp Trung cấp nghề đá mỹ nghệ cho 30 em có nhu cầu học nghề; phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Cơ điện xây dựng Việt Xô tổ chức lớp học cho 25 em có nhu cầu học các ngành nghề khác… Chương trình hành động này cũng hướng tới 500 gia đình nghèo ở các xã thuộc Dự án có con em đang phải lao động và nghỉ học hoặc có nguy cơ nghỉ học để lao động. Những gia đình này đã được hỗ trợ tiếp cận các chương trình tín dụng và đào tạo về quản lý, sử dụng nguồn vốn cùng với những hỗ trợ phù hợp khác…
"Đến nay, mặc dù các hoạt động của Dự án đã kết thúc song đã cho thấy hiệu quả vô cùng thiết thực. Nhận thức của chính quyền, nhân dân trong xã về lao động trẻ em đã thực sự thay đổi. Các gia đình đã chăm lo tốt hơn cho trẻ, tạo điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. Theo thống kê, toàn xã không còn tình trạng trẻ em phải lao động sớm. Sự phối hợp giữa xã và Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định trong việc đào tạo cho lao động địa phương, trong đó có đối tượng là học sinh vẫn được duy trì " - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân Đỗ Khắc Cường khẳng định.
Ông Nguyễn Khắc Thế, chủ nhân của ngôi nhà bằng đá độc đáo ở xã Ninh Vân, người đã nối nghiệp tổ tiên từ khi còn rất trẻ và hiện đang sở hữu một cơ sở làm đá mỹ nghệ có tiếng bậc nhất ở Ninh Vân cho biết: Trẻ em cần có thời gian học tập, vui chơi để phát triển toàn diện thể chất và tinh thần. Lưu giữ tinh hoa của nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm nay là một mong muốn chính đáng, song vẫn phải phụ thuộc vào lứa tuổi, sức khỏe của trẻ em. Khi trẻ chưa đến tuổi lao động, các phụ huynh chỉ nên truyền cho con trẻ tình yêu nghề, gieo cho các em niềm tự hào, ý thức phải gìn giữ nghề truyền thống… và có thể cho các em quan sát, thực hành những việc làm nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe. Hiện nay, ở các cơ sở sản xuất đá ở Ninh Vân cũng không sử dụng lao động chưa thành niên.
Huyện Hoa Lư có các làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm như Làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (xã Ninh Vân), nghề thêu Văn Lâm (xã Ninh Hải). Làng nghề không chỉ có ý nghĩa phát triển kinh tế mà còn chứa đựng trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cần gìn giữ thông qua hình thức truyền nghề. Nhưng thực tiễn này cũng đặt ra vấn đề nan giải với trẻ em ở làng nghề, bởi các em được truyền nghề, lao động từ rất sớm.
Ông Nguyễn Đông Hưng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hoa Lư cho biết: ở bất kỳ loại hình lao động nào thì việc lao động sớm đối với trẻ cũng ảnh hưởng không tốt đến học tập, thể chất, tâm lý… Phát huy những kết quả mà Dự án để lại, thời gian qua Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, phòng ngừa lao động sớm ở trẻ. Phòng cũng thường xuyên tổ chức tập huấn công tác bảo vệ quyền trẻ em, qua đó, từng bước nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức lao động, thương binh và xã hội ở các xã, thị trấn. Hàng năm, hướng dẫn họ rà soát các đối tượng trẻ em có nguy cơ phải lao động nặng nhọc, lao động trong trong điều kiện độc hại để có những biện pháp can thiệp kịp thời.
Bài, ảnh: Đào Hằng