Chỉ từ đầu năm 2019 tới nay, trên địa bàn xã Kim Tân huyện Kim Sơn đã có 2 trẻ trong xã bị tử vong do đuối nước. Cả hai nạn nhân đều ở độ tuổi rất nhỏ, một cháu 3 tuổi và một cháu 4 tuổi. ở lứa tuổi này, sự an toàn của các cháu phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình vì các cháu chưa thể có ý thức tự bảo vệ mình, nên chỉ cần một chút sơ sẩy của người lớn là có thể xảy ra tai nạn đáng tiếc. Ông Nguyễn Văn Tăng, Chủ tịch UBND xã Kim Tân cho biết, Kim Tân là xã đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 vẫn ở mức trên 10%. Bà con chủ yếu làm nông nghiệp, để cải thiện đời sống, bà con làm thêm nghề nuôi trồng thủy sản và một số nghề phụ khác. Vì vậy, việc chăm sóc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, ở Kim Tân, hệ thống ao hồ dày đặc, hầu như mỗi gia đình đều có ao và hầu như năm nào ở Kim Tân cũng có trường hợp trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước, đây là thực trạng rất lo ngại, mặc dù địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.
Nếu như Kim Tân là địa phương nằm trong "top" đầu của huyện về tai nạn đuối nước thì Kim Sơn cũng là điểm nóng của tỉnh về số vụ trẻ tử vong do tai nạn đuối nước trong năm 2018. Theo số liệu của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, trong năm 2018, toàn huyện đã xảy ra 18 vụ đuối nước ở trẻ (trong tổng số 25 vụ đuối nước toàn tỉnh) và chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, đã có 5 trẻ tử vong do đuối nước. Nhằm đồng hành, hỗ trợ Kim Sơn trong việc kiểm soát tình trạng tai nạn đuối nước, vừa qua, tỉnh ta đã tiếp nhận và triển khai Dự án "Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em ở Việt Nam" do Quỹ từ thiện Bloomberg (Hoa Kỳ) tài trợ. 10 xã của Kim Sơn được lựa chọn để thực hiện dự án này. Theo đó, dự án được chia làm 3 hợp phần: nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em và hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em dưới 5 tuổi; tăng cường dạy bơi và nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Mục tiêu của dự án là hướng tới 500 trẻ em trong vùng dự án biết bơi. Hàng ngàn trẻ từ 6-15 tuổi được tập huấn về phòng, chống đuối nước; các địa phương dự án tiếp tục duy trì mô hình quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, mô hình dạy bơi an toàn cho trẻ em tại địa phương và nhân rộng sang các địa phương khác; 100% cán bộ, nhân dân trong vùng dự án được truyền thông về phòng, chống đuối nước…
Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định, kỳ vọng lớn nhất khi thực hiện dự án, đó là góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho cả cộng đồng, qua đó cùng chung tay thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước ở huyện Kim Sơn nói riêng, các địa phương khác trong tỉnh nói chung. Chỉ khi nhận thức được nâng cao, người dân mới thay đổi hành vi một cách tích cực và việc phòng, chống đuối nước sẽ được thực hiện chủ động hơn. Thực tế cho thấy, ở đâu có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả các gia đình thì ở đó sẽ có những hoạt động hiệu quả, bài học ở huyện Nho Quan là một ví dụ.
Huyện Nho Quan là địa bàn có hệ thống ao, đầm khá dày đặc. Trong khi đó, địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc tạo sân chơi cho trẻ, nhất là trong dịp hè. Bởi vậy mà trước đây, mỗi năm huyện đều ghi nhận trường hợp trẻ tử vong do đuối nước. Tuy nhiên, theo thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện Nho Quan để xảy ra có một vụ đuối nước. Ông Đinh Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình- một trong những địa phương từng gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em cho biết, xã Thạch Bình có nhiều hồ, đập tự nhiên để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những hồ, đập này cũng trở thành nỗi lo của mỗi phụ huynh về sự an toàn cho trẻ, nhất là vào các dịp hè, trẻ thường xuống hồ đập để tắm và tập bơi mà không có sự giám sát của người lớn.
Những năm trước đây, hầu như năm nào Thạch Bình cũng xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Nhận thức rõ sự cần thiết của việc trang bị kỹ năng cho trẻ và phụ huynh về phòng, chống đuối nước, bên cạnh hoạt động tuyên truyền, địa phương cũng quan tâm tới việc dạy bơi cho trẻ. Theo đó, vào mùa hè, xã đã huy động nguồn lực xã hội hóa để lắp đặt bể bơi di động, phục vụ nhu cầu tập bơi cho trẻ, phụ huynh có thể đóng góp thêm kinh phí tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, đối với những trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được miễn học phí. Riêng trong mùa hè năm 2019 này xã đã mở hai lớp và dạy bơi cho gần 50 trẻ nhỏ.
Ngoài ra, xã cũng phối hợp triển khai các hoạt động cải tạo môi trường, loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em; vận động người dân sống ven khu vực sông suối hồ đập thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình, xây thêm tường rào bảo vệ xung quanh ao... Đặc biệt, trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa lũ, địa phương đã tiến hành rà soát các khu vực nguy hiểm để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc lắp đặt bổ sung các biển cảnh báo nguy hiểm đối với vị trí đào hố sâu bị ngập nước. Từ các biện pháp trên, tình trạng đuối nước trên địa bàn giảm dần. Từ năm 2018 đến nay xã chưa để xảy ra vụ tai nạn đuối nước nào. Ông Quách Văn Vỹ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Nho Quan có trên 21 nghìn trẻ em. Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, huyện đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phối hợp mở các lớp tập huấn về phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ cho các đối tượng chính là các bậc phụ huynh. Nhờ đó, nhận thức của mỗi người dân đã có sự thay đổi lớn, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ ở Nho Quan.
Cùng với nỗ lực của các địa phương, vừa qua, tỉnh ta cũng đã phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước và giải bơi học sinh, thiếu niên, nhi đồng "Đường đua xanh", đã có nhiều hoạt động diễn ra trong lễ phát động như: cuộc thi rung chuông vàng; trò chơi ai mặc áo phao nhanh… trong đó, ở nội dung thi Rung chuông vàng, các em học sinh sẽ giao lưu và trả lời nhiều câu hỏi có nội dung về kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước cho trẻ, một số tình huống cụ thể về các hoạt động sơ, cấp cứu khi có người bị đuối nước. Một hoạt động thiết thực khác như Hội Chữ thập đỏ phối hợp với Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng bơi an toàn cho học sinh các xã vùng lũ cũng thu được kết quả cao… Các hoạt động phong phú, đa dạng này đã góp phần thu hút sự chú ý của gia đình, nhà trường và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh, nhất là vào dịp hè, qua đó huy động sự chung tay của cộng đồng để đảm bảo cho trẻ một môi trường sống an toàn, lạnh mạnh.
Đào Hằng