Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa với mùa khô và mùa mưa rõ rệt. Mùa khô được tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 sang năm có độ ẩm thấp, hạn hán, hanh khô dễ xảy ra cháy rừng. Ngay trong mùa mưa tháng 7, 8 có nhiệt độ cao, độ ẩm thấp cũng dễ làm cho rừng bốc cháy. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, nắng nóng còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện thành nhiều đợt và kéo dài… Do vậy công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn phải chủ động, tích cực và kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Với chức năng là cơ quan thường trực của Ban chỉ huy PCCCR tỉnh, Chi cục đã xây dựng và tham mưu cho tỉnh ban hành phương án PCCCR, nhằm chủ động, tích cực và kịp thời thực hiện công tác này. Theo đó bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh có từ 8-10 vụ cháy rừng. Năm 2008, 2009 không xảy ra vụ cháy rừng nào, nhưng năm 2010 có 7 vụ làm thiệt hại 4 ha rừng. Cháy rừng thường tập trung chủ yếu vào mùa khô, tuy nhiên vào mùa hè khi nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài từ 7 ngày trở lên cũng dễ xảy ra cháy rừng. Thời điểm dễ xảy ra cháy rừng là khoảng từ 11 giờ đến 20 giờ, khi đó người dân gần rừng thường đốt thực bì dọn vườn, đốt ong… nên dễ gây lên cháy. Loại rừng dễ cháy chủ yếu là rừng mới trồng, rừng thông, bạch đàn, thảm thực vật trên núi đá. Các xã vùng cao của huyện Nho Quan và địa bàn thị xã Tam Điệp được xác định là những địa bàn trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Phương án cũng đề cập khá rõ ràng, cụ thể, chi tiết về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp, biện pháp PCCCR; tổ chức lực lượng tham gia PCCC; huy động lực lượng; sự chỉ huy, phối hợp và giả định một số tình huống có thể xảy ra cháy cùng phương án cứu chữa.
Cũng theo đồng chí Chi cục trưởng thì: Công tác phòng, chống bao gồm: củng cố, kiện toàn, bổ sung quy chế hoạt động của Ban chỉ huy các cấp; xây dựng chế độ, chính sách cho những người tham gia PCCCR; tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác này; tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về công tác PCCCR; tăng cường tập huấn kỹ thuật cho nhân dân và các chủ rừng về công tác PCCCR; thực hiện xã hội hóa công tác PCCCR; củng cố duy trì mạng lưới thông tin PCCCR; rà soát phân vùng trọng điểm nguy cơ dễ cháy rừng; xây dựng các công trình PCCCR; thực hiện các giải pháp nhằm giảm nguồn vật liệu dễ cháy; ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện dụng cụ tiên tiến trong PCCCR…
Chữa cháy rừng phải thực hiện theo nguyên tắc 4 tại chỗ: Chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần. Song hành với chữa cháy rừng phải tổ chức cứu người và tài sản trong khu vực cháy; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia chữa cháy; giữ vững thông tin liên lạc. Đối với những đám cháy nhỏ, tốc độ cháy chưa cao, sử dụng các phương tiện thủ công, thô sơ: cành cây, dao phát, gậy… dập lửa. Đám cháy đã phát triển lớn, lực lượng không đủ, có thể chữa cháy theo chu vi đám cháy, dùng dụng cụ thô sơ, rải đều lực lượng dập cháy. Khi đám cháy lớn, lực lượng không đủ thì chữa cháy theo mặt lửa - xác định hướng lan truyền chính và khu vực cần bảo vệ tập trung lực lượng, phương tiện chữa cháy theo hướng đó. Chữa cháy bằng biện pháp cách ly, có thể tạo ra những vành đai rộng 20-30m về các phía ngăn không cho đám cháy phát triển ra xung quanh. Chữa cháy bằng cơ giới, máy móc, chỉ áp dụng được khi địa hình cho phép: có hồ nước, xe cứu hỏa đến tiếp cận được hoặc đặt nược máy bơm nước để chữa cháy.
Thực tiễn cho thấy, mỗi khi rừng bị cháy thì hậu quả của nó để lại khôn lường. Do vậy công tác PCCCR luôn phải được đề cao ở các thời điểm theo phương châm "Lấy phòng là chính, chữa phải tích cực, kịp thời".
Đinh Chúc