Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV: Tổ chức chất vấn 2 nhóm vấn đề cử tri quan tâm
Thứ Tư, 10/08/2022, 06:40
Zalo
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, ngày 10/8, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối truyền hình trực tuyến tới 62 điểm cầu Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV: Tổ chức chất vấn 2 nhóm vấn đề cử tri quan tâm
Tham dự ở điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các vị trong Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Việt Dũng, TVTU, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn; đại diện một số sở, ngành có liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là lần thứ hai UBTVQH khóa XV tổ chức phiên chất vấn, sau phiên lần đầu tổ chức rất thành công vào tháng 4/2022. Trên cơ sở tiêu chí, trình tự, thủ tục lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn hai nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát chủ đề chất vấn để đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao…
Sau phát biểu mở đầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an.
Nội dung tập trung vào công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, "tín dụng đen", cho vay nặng lãi; việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân…
Đã có 27 đại biểu đăng ký và có 26 đại biểu phát biểu, 11 đại biểu phát biểu tranh luận.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi đại biểu nêu và đề xuất nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Văn hóa thể thao và Du lịch; Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
*Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn.
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Ninh Bình.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trả lời, giải trình về những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch; Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.
Đã có 19 đại biểu phát biểu và 7 lượt đại biểu tranh luận đi vào các nội dung đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nêu rõ tình hình, thực trạng, nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý và đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Cùng tham gia giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình về trách nhiệm tham mưu của Bộ giúp Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, có việc ban hành các chính sách điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch; chính sách về thuế và tiền thuê đất đối với dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế về chiều cao đến nay chưa được thực hiện, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thông tin về trách nhiệm chính của từng bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai, tham mưu, ban hành các chính sách liên quan đến đất đai trong lĩnh vực du lịch.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại phiên họp.
Khẳng định Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, UBND các địa phương để triển khai các công việc được giao. Về điều chỉnh giá điện cho cơ sở lưu trú ngang bằng với giá điện sản xuất, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch sẽ tích cực phối hợp với các Bộ để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Sau một ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm, phiên chất vấn thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn; đồng thời ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng các Bộ Công an; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như ý kiến của các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Đồng chí cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện tốt các cam kết, giải pháp đã nêu, trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới.
Trên cơ sở kết quả phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn; đề nghị Chính phủ Thủ tướng chính phủ, Thủ tưởng, Trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước, Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.
Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết này. Đối với các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn ĐBQH tỉnh, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giám sát thực hiện nghị quyết khi được ban hành.
Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động tổ chức các phiên giải trình, giám sát lĩnh vực phụ trách, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân cả nước.