Phía sau bình yên sông nước (Kỳ 3: Vững tin trong hành trình đảm bảo trật tự ATGT đường thủy)
Thứ Năm, 17/09/2020, 08:01
Zalo
Trước những hiểm nguy luôn rình rập, cùng với phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thời gian làm việc thường trái với quy luật, vì vậy việc quan tâm, động viên kịp thời và đảm bảo các điều kiện, môi trường làm việc như: trang bị phương tiện, dụng cụ hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ... tại Đội Cảnh sát đường thủy luôn được cấp ủy, chính quyền và ngành Công an quan tâm đặc biệt.
Phía sau bình yên sông nước (Kỳ 3: Vững tin trong hành trình đảm bảo trật tự ATGT đường thủy)
Thượng tá Đỗ Văn Bình, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Hàng năm đơn vị luôn tham mưu thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, trong đó ưu tiên giữ lại những cán bộ ,chiến sĩ có đủ năng lực, kinh nghiệm, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đội, như vị trí thuyền trưởng, máy trưởng.
Do yêu cầu về nhiệm vụ công tác, một người phải làm được nhiều việc, vì vậy đơn vị luôn tích cực phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để cán bộ, chiến sĩ sau khi được luân chuyển về Đội có đủ điều kiện, khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc trên sông nước từ kỹ năng buộc tàu, xuồng, bơi lội đến kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, tuần tra trên sông nước, sửa chữa máy cơ bản...
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hội thao, hội diễn để rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ cho mỗi cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, đa số cán bộ, chiến sĩ tại Đội Cảnh sát đường thủy đều là những người có kinh nghiệm, am hiểu địa hình sông nước, đáp ứng tốt các yêu cầu công việc.
Một điều rất đáng phấn khởi là Đội được các cấp quan tâm trang bị đầy đủ các phương tiện hoạt động. Năm 2020, đội được UBND tỉnh hỗ trợ trang bị 1 tàu tuần tra hiện đại; Bộ Công an trang cấp 1 tàu đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuần tra khu vực ven biển. Ngoài ra, Đội được cấp đầy đủ các dụng cụ hỗ trợ như phao, phương tiện cứu đắm, vũ khí... đáp ứng tốt yêu cầu đảm bảo TTATGT đường thủy.
Kiểm tra dụng cụ hỗ trợ như phao, phương tiện cứu đắm, vũ khí… trước khi nhận nhiệm vụ.
Để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, Phòng Cảnh sát giao thông rất chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, thường xuyên nắm bắt tâm tư và giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng; quan tâm, động viên không chỉ đối với bản thân cán bộ, chiến sĩ mà còn thường xuyên qua lại, giúp đỡ người thân, gia đình của họ.
Thực hiện truyền thống "tương thân tương ái" trong lực lượng công an, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông đã quyên góp trên 50 triệu đồng để ủng hộ, chia sẻ khó khăn với gia đình thượng úy Phan Quang Ngọc, đồng thời bố trí công việc hợp lý tại Đội để đồng chí vừa có thể hoàn thành công việc vừa có điều kiện hồi phục sức khỏe.
Cùng với đó, nhằm tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh đã huy động các lực lượng phối hợp tuần tra, sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an tỉnh thường xuyên trực tiếp tới quan tâm, động viên, thăm hỏi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ, giúp họ vững tâm, vượt qua những khó khăn.
Đặc biệt, khi nghe tin đồng chí Phan Quang Ngọc bị thương, lãnh đạo Công an tỉnh ngay sau đó đã có mặt thăm hỏi, hỗ trợ, động viên; đồng thời chỉ đạo đơn vị chuyên môn nhanh chóng điều tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng gây ra vụ việc; cùng với đó đề nghị các cấp, các ngành thực hiện các chế độ, chính sách đối với thượng úy Phan Quang Ngọc theo đúng quy định.
Công an tỉnh cũng đã đề nghị cơ quan chức năng truy tặng danh hiệu liệt sĩ đối với trung tá Đặng Tuấn Anh và hỗ trợ gia đình từ quỹ "nghĩa tình đồng đội" của Công an tỉnh, phần nào giúp vơi bớt nỗi đau về tinh thần, khó khăn về vật chất cho gia đình.
Sự quan tâm cùng với tình cảm, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Ban Giám đốc Công an tỉnh đã tạo động lực rất lớn để đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông đường thủy vượt qua khó khăn yên tâm công tác, vững tin, tiếp tục cống hiến sức mình, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho người dân.