Thông tin điện tử có tác dụng và tiện ích hơn hẳn so với các loại hình thông tin, báo chí truyền thống. Dung lượng thông tin điện tử rất lớn, tương tác thông tin nhanh, phát hành không bị trở ngại về không gian, thời gian và biên giới quốc gia.
Từ khi ra đời, các báo điện tử, các trang thông tin điện tử của nước ta (trong đó có Ninh Bình) đã góp phần quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao dân trí và thỏa mãn nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Trên địa bàn tỉnh, thông tin điện tử phát triển tương đối nhanh. Báo điện tử Ninh Bình, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Ninh Bình, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, với chức năng, nhiệm vụ là thông tin tổng hợp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Các thông tin của Báo được cập nhật nhanh chóng và kịp thời, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người đọc, thỏa mãn được yêu cầu của quần chúng nhân dân.
Hiện nay, nhìn chung các trang thông tin điện tử của một số cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh với mục đích đăng tải các thông tin hoạt động của ngành mình theo chức năng, nhiệm vụ được quy định, không được đăng tải cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan báo chí hoặc từ các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Còn các trang thông tin điện tử của cá nhân (blog) là loại hình dịch vụ thông tin điện tử dùng để cung cấp hoặc trao đổi thông tin cá nhân. Tuy trang điện tử cá nhân không phải xin cấp giấy phép, song vẫn phải hoạt động theo quy định của pháp luật. Không được lợi dụng Internet nhằm mục đích: Chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định; đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của các tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân; lợi dụng Internet để quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ cấm theo danh mục quy định của pháp luật.
Về chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phát triển và quản lý báo điện tử, Chỉ thị số 52/CT-T.Ư ngày 22-7-2005 của Ban Bí thư về phát triển và quản lý báo điện tử của nước ta hiện nay nêu rõ: "Nâng cao năng lực quản lý báo điện tử của các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, phân tích rõ báo điện tử và trang tin điện tử, chấn chỉnh tình trạng các trang thông tin điện tử hoạt động như một tờ báo điện tử. Kiên quyết khắc phục hoạt động dịch vụ Internet trái phép, ngăn chặn các trang tin điện tử phản động, đồi trụy, xâm phạm đời tư, làm tha hóa đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, phòng, chống các hoạt động lừa đảo, phá hoại kinh tế trên mạng thông tin điện tử...".
Đi đôi với công tác quản lý, công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng và tính hai mặt của Internet và thông tin điện tử, cần khai thác, sử dụng có hiệu quả mặt tích cực, đồng thời phòng ngừa, hạn chế mặt tiêu cực cho xã hội. Ngày 28-8-2008, Chính phủ đã có Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và trang tin điện tử trên Internet đã quy định: Trang thông tin điện tử trên Internet là trang thông tin hoặc tổng hợp trang thông tin phục vụ cho việc cung cấp và trao đổi thông tin trên môi trường Internet, bao gồm trang thông tin điện tử (website), trang thông tin điện tử cá nhân (blog), cổng thông tin điện tử (portal) và các hình thức tương tự khác. Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan báo chí hoặc từ các trang thông tin điện tử trên Internet của tổ chức hoặc doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích dẫn lại thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước; báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp nhất thiết phải có giấy phép hoạt động do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Các doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn lại, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thiết lập trang thông tin điện tử, sử dụng Internet và cung cấp dịch vụ ứng dụng chuyên ngành trên Internet thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành, không cần giấy phép và không cần đăng ký nhưng phải tuân theo các quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP và các quy định về quản lý thông tin điện tử trên Internet.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 97/2008/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ với phương châm tạo điều kiện thuận lợi cho thông tin điện tử phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao dân trí, thỏa mãn nhu cầu thông tin và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Trần Quang Hiển
(PGĐ Sở Thông tin và Truyền thông)