Một trong những nội dung quan trọng mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh là phải tăng cường phát triển tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng thúc đẩy việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Thực tế trên địa bàn Ninh Bình đã có một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh xây dựng được tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp nhưng hoạt động của các tổ chức này còn nhiều bất cập và bài toán về phát triển tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn là một bài toán khó, cần phải có sự chuyển biến mang tính đột phá trong thời gian tới.
Doanh nghiệp chưa nhiệt tình với tổ chức Đoàn
Công ty TNHH sản xuất giấy Tiến Dũng có trên 80% lao động trong độ tuổi Đoàn nhưng đến nay, tổ chức Đoàn tại Công ty vẫn chưa thể ra đời.
Chúng tôi hỏi anh Đinh Quốc Chiến, Giám đốc Công ty, một người còn khá trẻ và là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Ninh Bình lý do của sự chậm trễ này, anh cho biết: Thực ra cũng muốn thành lập tổ chức Đoàn trong Công ty vì như thế sẽ tạo được môi trường thuận lợi cho những lao động trẻ phấn đấu, rèn luyện, nhưng đa số thanh niên ở đây đều là công nhân, làm việc theo ca kíp, lực lượng phân tán, trình độ không đồng đều nên việc tập hợp thanh niên trong một tổ chức là rất khó thực hiện.
Anh cũng rất thẳng thắn cho rằng, do đặc thù làm việc trong môi trường kinh doanh, lợi nhuận được đưa lên trên hết nên rất ít lao động trẻ ở đây "mặn mà" với tổ chức Đoàn.
Chị Dung (cán bộ Công ty giấy Tiến Dũng) tâm sự với chúng tôi: Thời gian làm việc tại Công ty, mọi người đều tập trung vào sản xuất, kinh doanh nên việc có tổ chức Đoàn hay không không quan trọng mà quan trọng là hiệu quả kinh doanh. Hơn nữa đa số cán bộ, công nhân trong độ tuổi Đoàn tại Công ty đều tham gia phong trào Đoàn tại khu phố nên việc thành lập tổ chức Đoàn của Công ty là không cần thiết, nhiều khi tạo nên sự chồng chéo trong hoạt động.
Đó là thực trạng tại một công ty chưa có tổ chức Đoàn, nhưng ở những đơn vị đã thành lập được tổ chức Đoàn thì hiệu quả hoạt động cũng còn rất nhiều hạn chế, bất cập, có những nơi thành lập chỉ mang tính hình thức, còn các hoạt động thì dường như bị "đóng băng".
Công ty xi măng Vinakansai đã thành lập được tổ chức Đoàn nhưng kể từ khi thành lập đến nay, tổ chức Đoàn tại Công ty tham gia các phong trào hành động cách mạng của Đoàn rất hạn chế.
Lý giải về điều này, anh Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Đoàn Công ty nói với chúng tôi, để tập hợp được lực lượng đoàn viên trong Công ty tham gia hoạt động nào đấy rất khó khăn bởi công nhân làm việc theo ca và nhiều công nhân cho rằng việc gia nhập tổ chức Đoàn tại Công ty không mang lại lợi ích thiết thực cho họ. Chính suy nghĩ chưa đầy đủ này đã dẫn đến tình trạng các tổ chức Đoàn tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành lập xong không thể đi vào hoạt động theo đúng mục tiêu, tôn chỉ mà chỉ là hình thức.
Lực lượng đoàn viên chiếm khá đông trong các DN ngoài quốc doanh.
Đem vấn đề này trao đổi với Ban Giám đốc Công ty, chúng tôi nhận được câu trả lời rằng: Không phải lãnh đạo Công ty không quan tâm đến công tác Đoàn mà do năng lực của Ban chấp hành Đoàn nơi đây còn hạn chế như thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động tập thể để tạo sự gắn kết, chưa đưa tổ chức Đoàn hoạt động theo đúng nghĩa của nó là tập hợp, đoàn kết thanh niên, phát huy tối đa vai trò của thanh niên trong sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Tuấn tâm sự rằng, bản thân anh đang trong độ tuổi Đoàn nên anh mong muốn tổ chức Đoàn trong Công ty mình phát huy được vai trò, phát động được các phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật… để góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động tại Công ty. Nhưng vấn đề đặt ra là chủ doanh nghiệp có thực sự mong muốn như vậy không, bởi để phong trào phát triển, rất cần thiết phải tạo điều kiện cho cán bộ phụ trách công tác Đoàn đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để có thêm kỹ năng, phương pháp tổ chức hoạt động Đoàn.
Tìm lời giải cho bài toán khó
Thực trạng về công tác phát triển tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay đang yếu cả về số lượng lẫn chất lượng hoạt động. Trên địa bàn tỉnh mới có 7/908 doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 0,77%. Bên cạnh đó, ở những doanh nghiệp đã có tổ chức Đoàn thì hoạt động cũng không phát huy được hết hiệu quả, nhiều lúc, nhiều nơi mang tính hình thức.
Điều đáng nói, đa số các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều đã có đủ các điều kiện để thành lập tổ chức Đoàn bởi công nhân làm việc ở nơi này trung bình có 70% đang trong độ tuổi Đoàn.
Cụm công nghiệp Gián Khẩu có 13 doanh nghiệp với hơn 3.000 công nhân trong độ tuổi Đoàn nhưng chỉ có duy nhất 1 đơn vị có tổ chức Đoàn với hơn 300 đoàn viên. Với con số rất "khiêm tốn" về số lượng, các doanh nghiệp có tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh như hiện nay thì việc thực hiện mục tiêu 100% doanh nghiệp có đủ điều kiện có tổ chức Đoàn thanh niên và Hội Liên hiệp thanh niên theo chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư ngày 28-1-2008 "Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" sẽ rất khó khăn.
Thời gian tới, để công tác phát triển tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt được hiệu quả cả về số lượng, chất lượng cần có những giải pháp đồng bộ, mà trước hết là sự nỗ lực, cố gắng của các cấp bộ Đoàn trong tỉnh trong việc nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp với công tác này; tạo điều kiện để đoàn viên trong các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, kết nghĩa với tổ chức Đoàn địa phương; gắn kết việc "thanh niên cần gì với thanh niên cống hiến gì" để tạo động lực cho phong trào Đoàn tại những doanh nghiệp đã có tổ chức Đoàn; nâng cao hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh trong việc tiên phong đưa tổ chức Đoàn vào doanh nghiệp và tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động hiệu quả. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác phát triển tổ chức Đoàn trong khối doanh nghiệp, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quyết tâm đưa tổ chức Đoàn trở thành tổ chức quan trọng trong các doanh nghiệp, tạo động lực thi đua, lao động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm đáp ứng nhu cầu thời kỳ hội nhập theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư7 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Đó cũng là đáp ứng nguyện vọng của đông đảo thanh niên đang lập thân, lập nghiệp tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Quỳnh Thu