Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã nhớ lại: Thời điểm năm 2015, khi có một số ý kiến về chất lượng rau không đảm bảo, Hội Nông dân xã, lãnh đạo HTX đã nghiêm túc nhìn nhận lại quy trình sản xuất, sau đó phối hợp tổ chức tuyên truyền, chuyển giao kiến thức KHKT về trồng, chăm sóc rau an toàn cho bà con, thậm chí còn tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tiễn ở một số mô hình… Bản thân đồng chí giám đốc HTX rất sát sao trong công tác tuyên truyền, vận động các thành viên, nhất là từ khi có đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn".
Nhờ đó, hiện nay nhiều hộ trồng rau đã áp dụng việc phun thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học là những chế phẩm được chiết xuất từ nấm, vi khuẩn có ích hoặc các loại thuốc thảo mộc trong thời gian rau sinh trưởng nên rất an toàn với cây trồng và người sử dụng; khi rau đến thời điểm gần thu hoạch thì không phun thuốc trừ sâu…
Được biết, HTX hiện có 21 thành viên, diện tích canh tác khoảng 10 ha. Các loại rau được trồng, chăm sóc theo mùa vụ nên rất phong phú về chủng loại và được các thương lái ở thành phố Ninh Bình về tận vườn để thu mua với giá ổn định. Bình quân thu nhập của các hộ trong HTX vào khoảng 100 triệu đồng/năm, có nhiều hộ thu nhập ở mức cao hơn do diện tích lớn và đặc biệt là do uy tín về chất lượng rau sạch.
Không chỉ ở HTX rau giống và rau an toàn xóm 7, nhiều chi hội nông dân ở các xóm 5, xóm 13 cũng đang phát triển mạnh nghề trồng rau, trong đó chú trọng sản xuất an toàn với sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân xã thông qua việc tổ chức các lớp trồng rau an toàn và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện chuyển giao KHKT, ký cam kết "Nói không với thực phẩm bẩn" đến tận các hộ hội viên…
Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về vấn đề an toàn thực phẩm, từ đó từng bước mở rộng diện tích trồng rau sạch trên địa bàn.
Đào Duy