Để bứt ra khỏi cảnh thuần nông, khơi dậy những tiềm năng của địa phương vào phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng giảm nghèo, Đảng ủy xã Quang Thiện đã sớm có nghị quyết chuyên đề về mở rộng ngành nghề TTCN, nhất là những ngành nghề vốn được người dân ở đây theo đuổi từ bao đời nay như chế biến hàng cói, làm miến dong, làm bún bánh, giò chả. Theo đó, không chỉ ở xã có Ban chỉ đạo phát triển ngành nghề mà cả 2 HTX nông nghiệp Đông Thiện và Tây Thiện căn cứ vào thực tế địa bàn, cử cán bộ chuyên trách hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con làm nghề.
Về Quang Thiện hôm nay đã không còn cảnh "nông nhàn" ít người bỏ xứ đi làm ăn xa. Vào thời điểm này, đã có trên 80% số hộ có thêm việc làm, có thêm thu nhập từ ngành nghề TTCN. Quang Thiện đã tiến hành nhiều giải pháp như giao chỉ tiêu cho các thôn xóm, các chi bộ nhân rộng các hộ làm nghề, đứng ra tín chấp giúp người dân vay hàng tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng để họ mua sắm công cụ, phương tiện, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Việc truyền nghề, dạy nghề cũng tiến hành dưới nhiều hình thức sinh động, hiệu quả. Đối với những nghề truyền thống như dệt chiếu, đan làn, làm bún bánh, giò chả, làm miến dong thì thông qua các chi hội phụ nữ, nông dân, mời những hộ có kinh nghiệm, bí quyết làm nghề đứng ra phổ biến, hướng dẫn cho bà con trong khu dân cư về phương thức sản xuất, chế biến. Cách làm này vừa không ồn ã, vừa dễ tiếp thu nên đã thu hút được nhiều người tham gia. Một tiện ích khác là những người có nghề lại nằm ngay tại địa bàn nên khi có khó khăn về phương thức, kỹ thuật chế biến được tháo gỡ ngay.
Đối với những mặt hàng mới như hàng cói mẫu nhỏ, các sản phẩm mỹ nghẹ được đan từ bèo tây, lúa non thì các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đứng chân trên địa bàn như Quang Thịnh, Hà Vinh phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng, với hội phụ nữ, đoàn thanh niên mở các lớp dạy nghề, mà phần đông là lớp trẻ để chuyển giao kỹ thuật và gia công hàng cho họ làm. Hiện với 2 doanh nghiệp và gần hai chục tổ hợp làm hàng xuất khẩu của xã đã tạo việc làm cho trên 2.000 lao động cả chuyên và không chuyên. Tuy thu nhập còn khiêm tốn nhưng cũng đạt bình quân từ 400 - 500 nghìn đồng/người/tháng.
Một thế mạnh khác của Quang Thiện là nghề làm miến dong truyền đời. Miến dong ở đây vốn nổi tiếng sợi nhỏ, dai và trong suốt, vừa bắt mắt, vừa hợp khẩu vị của người tiêu dùng nên làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Khi có giỗ, Tết, đình đám, người từ nhiều nơi không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà từ Nam Định, Thanh Hóa cũng tìm đến để mua miến. Trước đây, số người theo nghề không nhiều, lại sản xuất manh mún, thủ công, mức thu nhập chưa cao nên chưa có sức hấp dẫn để nhiều người cùng làm theo. Hiện nay hầu hết các gia đình làm miến đều có phương tiện để cán, lọc nên mọi thứ tạp chất được xử lý triệt để, nước bột trắng tinh, đặc sánh như sữa. Đến với ông Chín, ông Ký ở xóm 5 Ứng Luật đều có một cơ ngơi khang trang nhờ làm miến dong. Theo ông Ký, trước đây mỗi tháng ông chỉ sản xuất dăm bảy chục kg, nhưng giờ làm từ 300-400 kg vẫn không đủ hàng cho khách lấy. Đã có vài chục hộ làm ở quy mô như ông nhưng vẫn tiêu thụ hết. Để có đủ nguyên liệu làm quanh năm, đến mùa thu hoạch dong đao, các gia đình làm nghề lại cho người tìm đến nhiều nơi, cả trong và ngoài huyện, thậm chí vào cả Nga Sơn (Thanh Hóa), sang Nghĩa Hưng (Nam Định) thu gom, mua về gia công thành bột để chế biến dần.
Cùng với nghề làm miến dong, nghề làm bún bánh, giò chả vốn cũng đã thành danh từ nhiều đời nay. Anh Hoàng Phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện đã có lần nói với tôi, du khách về với vùng đất này mà chưa ăn bún mọc Tố Như, chưa có đôi chiếu cải về làm quà coi như chưa biết Kim Sơn. Từ lâu giò, chả, bún mọc Quang Thiện đã trở thành một thứ đặc sản trong văn hóa ẩm thực của Kim Sơn, Ninh Bình.
Những năm từ 2000 trở về trước, nghề làm bún bánh, giò chả tuy đã nổi tiếng nhưng cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi 2 thôn là Lưu Quang, Hướng Luật là có nhiều hộ theo nghề. 5 năm trở lại đây, do được khuyến khích, được địa phương tạo điều kiện về vay vốn, về truyền nghề, đã phát triển ra cả 5 thôn. Vào thăm hộ ông Dương Tiến ở xóm 2 Lưu Quang, ông Long ở xóm 5 Ứng Luật, bà Loan ở xóm 2 Phúc Điền thì không khí sản xuất ở đây thật nhộn nhịp, vì mỗi ngày họ chế biến tới hàng tạ giò chả. Theo đồng chí Trần Tường, Chủ tịch UBND xã, chưa kể lượng sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn, mỗi ngày Quang Thiện còn xuất đi hàng tấn giò chả và vài ba tấn bún bánh.
Với bước đi, cách làm trên, Quang Thiện đang thực sự trở thành một "xã nghề". Tính đến cuối năm 2006, thu về từ ngành nghề, dịch vụ đã đạt trên 30 tỷ đồng, chiếm 57% GDP của xã. Thu nhập bình quân đầu người đã vượt lên đạt 7 triệu đồng/năm. Mỗi năm Quang Thiện giảm ít nhất 3% hộ nghèo, đưa số hộ nghèo theo tiêu chí mới xuống còn 10%. Số hộ khá và giàu tăng nhanh, vào thời điểm này chiếm trên 40%. Đến nay cả 3 trường học đều đã được xây dựng cao tầng, 90% đường giao thông đã được bê tông hóa, hàng chục km kênh mương đã được kiên cố hóa, nhiều nhà văn hóa thôn đã và đang được xây dựng. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ở đây đang thay đi mỗi ngày.
Lê Liêu
(Hội VHNT)