Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào thi đua XDNMT, đến nay công tác lập quy hoạch đã có 76/120 xã được phê duyệt quy hoạch chung, số còn lại đang thẩm định; 83/120 xã phê duyệt xong đề án; 25 xã được chọn làm trước trong giai đoạn 2011-2015 đã hoàn tất việc duyệt quy hoạch chung và đề án XDNTM. Đã có 3.524 hộ ở 44 xã hiến gần 17,3 ha đất để xây dựng các công trình công cộng như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, nhà văn hóa… với tổng giá trị ước đạt 18,7 tỷ đồng, cùng 10.637 hộ dân đóng góp bằng tiền mặt, công lao động, nguyên vật liệu xây dựng các công trình công cộng.
Qua hơn một năm triển khai thực hiện Chương trình XDNTM có thể nhận thấy đây là một chương trình rộng lớn, lâu dài với nhiều khó khăn, phức tạp. Do vậy không thể nóng vội, làm lấy được hoặc làm theo phong trào… mà phải làm đến đâu chắc đến đó. Vì vậy công tác thông tin tuyên truyền vẫn là giải pháp đi đầu và thực hiện liên tục, lâu dài
Việc lập quy hoạch, đề án XDNTM còn có sự hạn chế, do các cơ quan tư vấn không hiểu rõ thực trạng ở địa phương, vì vậy công việc này cần có sự tham gia, bàn bạc, góp ý của lãnh đạo, cán bộ chuyên môn và người dân bản địa. Một số tiêu chí còn bất cập, như: Chợ, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, quy hoạch nghĩa trang, xử lý rác thải… không phù hợp tình hình thực tế của nhiều vùng nông thôn, cần có sự điều chỉnh và đang được Trung ương xem xét.
Nguồn vốn cho XDNTM là rất lớn, trong đó vốn từ ngân sách Nhà nước là quan trọng, nhưng không phải tất cả mà phải huy động được tổng hợp các nguồn lực, trong đó có sự đóng góp của nhân dân. Nguồn vốn phải được ưu tiên cho các dự án phát triển kinh tế, công trình cấp thiết trước… bởi mục đích cuối cùng của Chương trình XDNTM là nâng cao mức sống cho người nông dân.
Đầu tư cho các dự án phát triển cây, con, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cây con; phát triển ngành nghề, dịch vụ trong nông thôn… cần được chú trọng ưu tiên hàng đầu cả về chỉ đạo, lãnh đạo lẫn vốn đầu tư theo tinh thần đầu tư vào đâu có hiệu quả ở đó và chỉ có như vậy mới nâng cao được mức sống cho người dân nông thôn nhằm thực hiện được tiêu chí về thu nhập trong Bộ tiêu chí XDNTM của Trung ương.
Mặt khác, việc xây dựng cơ sở hạ tầng: Mở mang, chỉnh trang đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương, xây dựng trạm, trại, trụ sở… ngoài việc tạo "Bộ mặt" mới cho nông thôn thì không ngoài mục đích hỗ trợ, giúp kinh tế phát triển có hiệu quả hơn.
Mỗi tiêu chí trong Bộ tiêu chí XDNTM có vị trí và vai trò khác nhau, nhưng nếu tiêu chí thu nhập của người nông dân không đạt hay nói cách khác đời sống của người nông dân không được nâng lên, thì những tiêu chí khác: Giáo dục, y tế, chính quyền và đoàn thể, hình thức tổ chức sản xuất… dù có đạt cũng không có nhiều ý nghĩa.
Mới đây, trong đợt khảo sát tình hình XDNTM tại Ninh Bình, cố vấn Ban chỉ đạo XDNTM Trung ương Lê Huy Ngọ cho rằng: Bộ tiêu chí chỉ là chỗ dựa cho việc thực hiện Chương trình XDNTM của mỗi địa phương và mục đích cuối cùng của Chương trình chính là phải nâng cao được mức sống cho người dân nông thôn. Do vậy phát triển kinh tế nông thôn vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện Chương trình XDNTM ở mỗi địa phương.
Đinh Chúc