Doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao là đơn vị đầu tiên đã xây dựng và tổ chức khai thác các tour "Du khảo đồng quê" và hoạt động trải nghiệm "Một ngày làm nông dân" tại 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn. Cả hai sản phẩm này đều được du khách đánh giá rất cao về tính đa dạng và hấp dẫn của các hoạt động trải nghiệm. "Du khảo đồng quê" được xây dựng thành 9 chương trình tour, với nhiều sự lựa chọn nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách, giúp du khách hiểu được nét văn hóa đặc trưng của làng quê Ninh Bình.
Tham gia chương trình "Một ngày làm nông dân" du khách được cùng với chủ nhà tham gia vào hoạt động canh tác nông nghiệp như: cày ruộng bằng trâu, đi cấy, nhổ mạ, gặt lúa bằng liềm, tát nước gầu dây, trồng hoa màu… Một ngày sẽ kết thúc bằng sự sum vầy bên người thân trong những ngôi nhà nhỏ mang nét đặc trưng của vùng quê Bắc bộ. Du khách sẽ tận hưởng gió trời, thả mình vào phong cảnh đồng quê xanh mát. Với mô hình này Doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao đã giải quyết việc làm cho khoảng 190 lao động thường xuyên và lao động thời vụ và là điểm thu hút rất đông du khách nước ngoài trong các tour du lịch tại Ninh Bình.
Đại diện Doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao cho rằng: Du lịch nông nghiệp là "mỏ vàng" cần được khai phá, tuy nhiên hiện nay mô hình này ở Ninh Bình còn đang rất mới mẻ. Chúng tôi mong chờ có sự quan tâm từ phía ngành Du lịch, chính quyền địa phương để tạo nên chuỗi các điểm đến có thể liên kết, bổ sung cho nhau để thu hút khách. Mặt khác, do người nông dân lâu nay chỉ quen với việc làm nông nghiệp thuần túy, nếu chúng ta xây dựng sản phẩm du lịch gắn với công việc của họ thì phải có những giải pháp thiết thực để đào tạo, hướng dẫn giúp họ chuyển đổi cách làm nông nghiệp kết hợp với du lịch.
Tin rằng, với cái tâm khởi nghiệp và không ngừng đổi mới của những người làm du lịch, du lịch nông nghiệp trải nghiệm tiếp tục là một điểm dừng chân không thể bỏ của du khách gần xa mỗi khi về thăm Ninh Bình.
Ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện. Đến nay, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp, sản phẩm nông nghiệp đa dạng, cảnh quan môi trường ngày càng được cải thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm Ninh Bình.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh hiện có 33 sản phẩm OCOP. Tỉnh đã phê duyệt đề án OCOP và bố trí kinh phí triển khai thực hiện từ năm 2018. Sau khi có đề án, tỉnh đang xây dựng kế hoạch triển khai xác định một số việc cần thiết triển khai trước mắt như: Tập huấn tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, hoàn tất thủ tục pháp lý cho một số sản phẩm và lựa chọn hỗ trợ làm bao bì nhãn mác, xúc tiến thương mại một số sản phẩm có tiềm năng lợi thế…
Với những hiệu ứng từ du lịch nông nghiệp đã thúc đẩy việc sản xuất nông nghiệp sạch tạo ra hàng hóa nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu ẩm thực của du khách được quan tâm. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng VietGAP, an toàn sinh học, phát triển các mô hình rau hữu cơ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp kết hợp du lịch sinh thái;
Dự án thí điểm sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao, dài ngày theo hướng hữu cơ (1 vụ/năm) kết hợp nuôi trồng thủy sản tại 3 điểm, dùng phân hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học; dự án hỗ trợ phân bón vi sinh, hữu cơ PowerAnt cải tạo đất lúa; chứng nhận đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm cho xã Khánh Thành, Yên Thái; mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn, hoa trong nhà lưới, nhà lưới giản đơn, ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ;…
Từ năm 2017 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ, nhân rộng nhiều mô hình phát triển con nuôi có lợi thế, con nuôi đặc sản có giá trị nhằm tạo nguồn thực phẩm đặc trưng của địa phương phục vụ du khách như: mô hình nuôi lợn rừng lai lợn bản địa, gà thả đồi an toàn sinh học, gà ri Cúc Phương, gà Đông Tảo, gà Ai Cập, mô hình sản xuất mắm tép an toàn thực phẩm; chương trình bảo tồn, phát triển đàn dê bản địa: hỗ trợ bảo tồn trên 800 dê bản địa và 20 dê lai hướng sữa nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ chăn nuôi dê, cung cấp sữa dê tươi cho thị trường.
Mô hình du lịch nông nghiệp ở Ninh Bình đã góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, khai thác các giá trị về tài nguyên của địa phương, đặc biệt là khai thác các giá trị nội tại của hoạt động sản xuất nông nghiệp để tạo thu nhập ngoài các sản phẩm thuần túy nông nghiệp cho những người nông dân.
Việc phát triển du lịch nông nghiệp ở Ninh Bình không chỉ có ý nghĩa tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, mà nó còn như một phương pháp hiệu quả nhằm duy trì, bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang phải chịu áp lực của phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa đang diễn ra phổ biến.
Nguyễn Thơm