Kỳ 4: Trái ngọt
"Tôi ủng hộ!"Câu nói tưởng chừng đơn giản như thế nhưng để các chức sắc, chức việc tôn giáo nói ra với những con chiên, phật tử của mình không phải đơn giản. Và quả thật, như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận định, để thành công trong phát triển đảng viên là người có đạo, yếu tố con người là quan trọng nhất, có tính chất quyết định. Và có đi mới thấy hết được để có được sự hợp tác từ các chức sắc tôn giáo là một quá trình bền bỉ, kiên trì của cả hệ thống chính trị từ lúc đặt những viên gạch nền móng đầu tiên để xây dựng và duy trì mối quan hệ, để xây những nhịp "cầu" thắt chặt quan hệ giữa Đảng, chính quyền với các tôn giáo.
Đồng chí Phan Văn Nghiễm, Bí thư Chi bộ thôn Lãng Nội, thôn Công giáo toàn tòng ở xã Gia Lập, huyện Gia Viễn tiếp chúng tôi khi đang bàn bạc với chi ủy về việc chuẩn bị kết nạp một quần chúng sinh năm 1994, là người có đạo vào Đảng. Cơ hội hiếm gặp, chúng tôi dồn dập đặt những câu hỏi cho người bí thư chi bộ lâu năm này về những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển đảng viên mới ở thôn Công giáo toàn tòng, ông chỉ cười: "Chẳng biết các nơi khác thế nào chứ ở đây chúng tôi thuận lợi lắm, nhất là cha xứ, tuyệt vời luôn!". Và không để tôi kịp hỏi thêm, ông lấy điện thoại ra:
- Cha ơi, cha có ở nhà thờ không? Cha pha cà phê, 15 phút nữa con ra thưởng thức cà phê của cha, có chút việc nhỏ nữa...
Và thế là trên chiếc xe máy cũ kỹ nhưng còn khá tốt của ông, chúng tôi vào nhà thờ giáo xứ Lãng Nội và có cuộc tiếp xúc với linh mục Trần Công Hoan, người phụ trách giáo xứ này. Nhẹ nhàng, trầm ấm nhâm nhi ly cà phê đen, khi chúng tôi hỏi những vấn đề thời sự, về tình hình tôn giáo, về quan điểm của cá nhân khi những giáo dân của mình phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng, linh mục Trần Công Hoan chậm rãi nói: Làm gì, gia nhập tổ chức nào miễn là những con chiên của tôi sống tốt đời đẹp đạo, kính Chúa yêu nước. Tôi ủng hộ việc phấn đấu vào Đảng nên chi bộ của ông Nghiễm mới có đảng viên chứ.
Quả thật, nhìn vào số lượng đảng viên của thôn Công giáo toàn tòng Lãng Nội tôi không khỏi ngạc nhiên bởi số lượng đảng viên lên đến 28 người và những năm gần đây, công tác phát triển đảng viên mới được chi bộ duy trì rất tốt, năm nào cũng kết nạp được ít nhất 1 đảng viên với tuổi đời rất trẻ.
Và tôi cũng hiểu rằng làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực của những đảng viên là người có đạo trong cấp ủy như ông Nghiễm phải có sự ủng hộ, đồng tình, tạo điều kiện của cha xứ nơi đây. Và sự ủng hộ ấy có được là bởi các cấp ủy đảng, chính quyền từ thôn đến xã, đến huyện và tỉnh đã tạo dựng được mối quan hệ tốt với chức sắc, chức việc tôn giáo thông qua những việc rất lớn như xem xét giải quyết vấn đề đất đai tôn giáo hay xây sửa nhà thờ, xây dựng nông thôn mới, làm cho đời sống người dân Lãng Nội ngày càng khá giả, xóm làng ngày càng hiện đại, văn minh đến những việc rất nhỏ và thường xuyên như giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thăm hỏi chúc mừng những ngày lễ, Tết...
Nhìn ngọn tháp Nhà thờ Lãng Vân (Giáo xứ Lãng Nội) cao vút vươn lên giữa trời thu rực rỡ nắng vàng, giữa xóm làng trù phú, soi bóng bên đầm Vân Long- Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, vừa được công nhận là khu Ramsar thế giới thứ 9 của Việt Nam mới thấy hết sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các chức sắc Công giáo và cộng đồng giáo dân nơi đây, mới thấy hết sức mạnh của sợi dây liên kết, sự hòa quyện giữa "đạo" và "đời", mới hiểu hết ý nghĩa của những cụm từ "Sống tốt đời đẹp đạo", "Kính Chúa yêu nước".
Để có được những "trái ngọt" trong kết nạp đảng viên là người có đạo thì việc kết nối được với các chức sắc tôn giáo để họ đồng tình và ủng hộ là yếu tố rất quan trọng. Ninh Bình đã làm được điều ấy với cả 2 tôn giáo lớn đang song hành trên địa bàn là Công giáo và Phật giáo.
Trở lại câu chuyện kết nạp đảng viên của Đại đức Thích Thanh Sự, người luôn ủng hộ, đồng hành với ông trong quá trình giác ngộ để trở thành đảng viên là Đại đức Thích Thanh Mạnh, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Yên Mô. Không chỉ nói "Tôi đồng ý" mà Đại đức Thích Thanh Mạnh còn là người trực tiếp viết nhận xét về cấp dưới của mình để lưu trong hồ sơ đảng viên của Đại đức Thích Thanh Sự (tên thật là Nguyễn Ngọc Sự).
Đồng hành trên con đường tu hành, ủng hộ những việc làm vì cuộc sống cộng đồng, động viên, khích lệ để cố gắng được đứng trong hàng ngũ của Đảng, với một chức sắc tôn giáo phải chịu nhiều ràng buộc của giáo lý, giáo luật như Đại đức Thích Thanh Mạnh không phải ai cũng làm được điều đó. Và đồng chí Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Mô cũng tiết lộ "bí mật" cho tôi rằng Đại đức Thích Thanh Mạnh là "hạt mầm đỏ" mà những người làm công tác tổ chức đang "nhắm" tới khi đề ra những giải pháp để tăng cường hơn nữa công tác phát triển đảng viên là người có đạo theo hướng bền vững, lâu dài.
Những đảng viên "3 trong 1"
Đó là những đảng viên là người có đạo khi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng tiếp tục phát huy được năng lực, sở trường của mình; được bố trí, sử dụng trong đội ngũ lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục gánh tròn hai vai "đạo" và "đời".
Con đường mà họ đã trải qua không ít khó khăn, lực cản nhưng những lãnh đạo đặc thù này luôn cảm thấy hạnh phúc vì vẫn trọn "đạo", không "nhạt đạo, phai đạo"; vinh dự, tự hào vì được Đảng tin dùng, nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cũng là những tấm gương sống cho đồng bào có đạo phấn đấu theo, là động lực để những quần chúng có đạo thêm một niềm tin, một tình yêu thiết tha với Đảng.
Nhắc đến Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn (huyện Nho Quan) Nguyễn Anh Văn, người ta thường trìu mến gọi ông là ông "Văn lúa" bởi cho đến bây giờ, khi đã là một cán bộ đứng đầu một xã, ông vẫn xuống đồng cấy lúa và hướng dẫn cho bà con cách thức gieo cấy sao cho đạt hiệu quả cao với phương châm "Cầm tay chỉ việc" như vãi lúa thế nào, xử lý ra sao khi lúa bị sâu bệnh....
Đi cơ sở, sát dân mới nắm được tình hình, mới biết được ở đâu dân người ta khó, khó cái gì để mình giải quyết chứ ngồi chờ nghe báo cáo thì chẳng lãnh đạo, điều hành được gì cả.
Đồng chí Nguyễn Anh Văn (Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn (Nho Quan)
Người dân tin ông, yêu ông, mến ông bởi phong cách giản dị, gần gũi, không quan cách. Ông có thói quen ngày 2 lần tự đi một vòng quanh xã vào buổi sáng, trước khi đến cơ quan và buổi chiều khi đã kết thúc ngày làm việc. Việc đó duy trì đều đặn từ khi ông mới chỉ là chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp đến khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã, từ vòng quay đều của bánh xe đạp và bây giờ là tiếng máy nổ đều đặn của chiếc xe máy đã cũ. Rất nhiều lần từ những chuyến "thị sát" thường xuyên như thế mà ông đã phát hiện ra những vấn đề bất cập, cấp thiết của xã để có những lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Người dân trong xã còn bảo "Tôi quý ông "Văn lúa" bởi lúc nào, đi đâu, gặp ở đâu ông ấy cũng chào chúng tôi trước, nhiều khi chào trước mà không kịp vì ông ấy nhanh như chớp, thấy mình được tôn trọng lắm. Có những khi có việc xảy ra trong xã, ông đi từng nhà, hỏi cẩn thận, chi tiết, tỉ mỉ để giải quyết hợp tình hợp lý, hợp lòng dân. Cán bộ là phải trọng dân như thế, đảng viên là phải đi đầu như thế mặc dù nhà ông ấy còn khó khăn, làm nhà 3 lần vắt qua 2 thế kỷ mới xong được cái nhà đang ở bây giờ với 4 thế hệ".
Những điều được nghe, được thấy về ông "Văn lúa" khiến chúng tôi nể phục người đảng viên "3 trong 1" này bởi ông được biết đến là người có đạo có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đám cưới con ông có tới 6 linh mục tới dự, việc đạo việc đời ông vẫn thực hiện song hành với phương châm "Kính Chúa yêu nước", "Tốt đời đẹp đạo" và dù là ai, dù theo tôn giáo nào thì vẫn luôn hướng tới sống đẹp, sống vì mọi người, sống để cống hiến cho sự phát triển chung.
Đồng chí Phạm Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phát Diệm là 1 trong 2 đồng chí huyện ủy viên là người có đạo trên địa bàn huyện Kim Sơn mà chúng tôi có nhiều thời gian để trò chuyện. Cái chất mộc mạc, giản dị, thật thà, đầy đức tin của một người Công giáo khiến tôi cảm thấy mát lòng trong một ngày nắng gắt.
Người có đạo có một niềm tin mãnh liệt, đã tin là tin đến cùng, không tin thì thuyết phục kiểu gì cũng khó. Chính vì vậy, những đảng viên là người có đạo phải luôn nêu gương để tạo niềm tin cho quần chúng, nêu gương trong cả việc đạo và việc đời.
Đồng chí Phạm Văn Hùng (Bí thư Đảng ủy Thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn).
Đồng chí cho biết được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng từ ngày 9/1/1997 và từ đó đánh dấu một bước chuyển trong cuộc đời của mình, mở ra những tháng ngày bền bỉ không ngừng học tập, nâng cao trình độ để xứng đáng là người đảng viên.
Đồng chí Phạm Văn Hùng tâm sự: Tôi thấy may mắn và vinh dự khi được tổ chức phân công giao nhiệm vụ là Bí thư Đảng bộ Thị trấn Phát Diệm, trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của huyện Kim Sơn. Tôi luôn tâm niệm cống hiến hết sức, làm việc hết mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đưa Đảng bộ thị trấn ngày một phát triển, thắt chặt đoàn kết lương-giáo. Với vai trò là một huyện ủy viên, đồng chí Hùng luôn tích cực tham gia vào việc tạo nguồn, phát triển đảng viên là người có đạo, góp phần đưa Kim Sơn trở thành điểm sáng của cả tỉnh trong công tác này.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn, việc bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người có đạo được chú trọng; cấp huyện có 2 đồng chí huyện ủy viên là người có đạo, trong đó 1 đồng chí có trình độ chuyên môn thạc sỹ, trình độ lý luận chính trị cao cấp.
Đối với cấp xã có 37 đồng chí tham gia Ban chấp hành đảng bộ xã, thị trấn là người có đạo, trong đó có 16 đồng chí cán bộ chủ chốt. Trong số 16 đồng chí cán bộ chủ chốt cấp xã là người có đạo, 9 đồng chí có trình độ đại học, 100% có trình độ trung cấp LLCT. Kim Sơn cũng là địa phương thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ, tăng cường cho các xã vùng có đông đồng bào có đạo, làm tốt công tác quản lý đảng viên là người có đạo sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của Đảng.
Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Mai Văn Tuất cho biết thêm: Việc bố trí, sử dụng đảng viên là người có đạo là vấn đề được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức cấp ủy các cấp chú trọng để đảng viên là người có đạo tích cực trong rèn luyện thực tiễn, phát huy tính tiền phong gương mẫu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; từ đó thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở. Đây cũng được coi là một giải pháp quan trọng để thực hiện công tác phát triển đảng viên là người có đạo.
Lực lượng cốt cán tôn giáo này đã tham gia tuyên truyền, vận động và tổ chức cho đồng bào có đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy vai trò là cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và quần chúng nhân dân với phương châm: Lấy tôn giáo giải quyết các vấn đề có liên quan đến tôn giáo.
Từ những kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo trong thời gian qua, Ninh Bình cần làm gì để phát huy những thành quả đạt được và khắc phục triệt để những khó khăn, hạn chế đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công tác xây dựng Đảng, thích ứng với những biến đổi mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của cuộc cách mạng 4.0?
Kỳ 1: Từ đức tin đến lý tưởng cách mạng
Kỳ 5: Tìm lối mở trong kỷ nguyên 4.0
Kim Toàn - Bùi Quang - Quỳnh Thu