Giai đoạn 2016-2020 thị trường hàng hóa tiêu dùng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ. Các chủng loại hàng hóa phong phú, cơ bản đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn này ước đạt 167.892 tỷ đồng, trong đó năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 40.937 tỷ đồng, tăng 50,8% so với năm 2016, đạt mức tăng trưởng bình quân cả giai đoạn là 8,1%/năm.
Theo nhận định của Sở Công Thương, việc tăng trưởng cao của ngành dịch vụ phản ánh mức sống của người dân được nâng lên, đời sống xã hội ổn định. Các nhà đầu tư đã tập trung vào kênh phân phối hàng hóa nội địa, phát triển hạ tầng thương mại phù hợp với quy hoạch chung của các ngành kinh tế-xã hội. Tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trong những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực. Một số công trình hạ tầng thương mại như kho xăng dầu, các trung tâm thương mại đã đi vào hoạt động, tác động đáng kể vào lưu thông hàng hóa góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 trung tâm thương mại, 9 siêu thị và 110 chợ truyền thống đang hoạt động. Các dự án xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị đều được đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã từng bước nâng cấp, cải tạo lại mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu giao thương ở các địa phương. Từ năm 2016 đến năm 2020, toàn tỉnh có 4 dự án đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp chợ.
Trong đó có 2 dự án có nguồn xã hội hóa, còn lại được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Những chợ này chủ yếu là chợ loại 3 ở khu vực nông thôn phục vụ nhu cầu dân sinh kết hợp với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Tổng số vốn đầu tư lũy kế đến nay là 29,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã quy hoạch hạ tầng kinh doanh xăng dầu phù hợp với địa phương và quy hoạch ngành. 5 năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư trên 135 tỷ đồng để xây mới 45 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Hiện đang xây dựng 2 kho xăng dầu và 194 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 4 trạm triết nạp LPG vào chai, 562 cửa hàng bán lẻ LPG.
Bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, những năm gần đây các kênh phân phối thương mại điện tử đã được các doanh nghiệp quan tâm và đầu tư triển khai với nhiều hình thức đa dạng như website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trên cả nền tảng web và nền tảng di động.
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã triển khai mạnh mẽ các ứng dụng thanh toán điện tử hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử, gồm thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM…), thanh toán trên internet thông qua tài khoản mở tại ngân hàng, thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động...
Qua đó góp phần khai thác, phát triển các nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường, tổ chức lưu thông hàng hóa tiết kiệm thời gian, chi phí, thỏa mãn nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng.
Để hoạt động thương mại dịch vụ phát triển theo đúng định hướng, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh như: Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020; Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, Sở Công Thương đã xây dựng và triển khai tốt kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân (xăng, dầu, gas, thực phẩm...); đôn đốc các địa phương tăng cường quản lý hoạt động chợ, siêu thị, góp phần ổn định giá cả hàng hóa, thị trường trên địa bàn.
Đồng thời, hàng năm, Sở đã thực hiện tốt công tác thẩm định, cấp phép đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Với mục tiêu phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến năm 2025 đạt 65.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt 9,7%/năm, tỉnh đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách để tập trung phát triển, khai thác các sản phẩm có sức cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao.
Mở rộng hợp tác kinh tế, liên kết vùng, liên vùng. Thực hiện tốt liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm, chú trọng việc xây dựng nhãn hiệu thương mại, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để mở rộng thị trường.
Cùng với đó, tỉnh có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các hình thức kinh doanh hiện đại, thông minh như: siêu thị, trung tâm thương mại, khu giải trí, chợ đầu mối, bảo đảm lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt, có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ nông dân và có các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng và các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao.
Các ngành, các cấp hỗ trợ doanh nghiệp vận hành có hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh và gia tăng số lượng website các doanh nghiệp đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thanh toán qua thẻ ATM, Master card, Visa card…
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm