Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN 9 tháng năm 2009 đạt hơn 1.723 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp quốc doanh đạt trên 721 tỷ đồng, bằng gần 89% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh đạt hơn 999 tỷ đồng, (tăng 45% so với cùng kỳ năm 2008). Các cơ sở đã sản xuất 1.089 nghìn tấn xi măng, t(ăng gần 46%); 84.626 nghìn viên gạch (tăng 5%); cửa sắt các loại đạt 24.252 m2, (tăng gần 48%)… Một số cơ sở hoạt động trên lĩnh vực hàng may mặc đã được thành lập và đi vào hoạt động, bước đầu tạo việc làm thường xuyên cho khá nhiều lao động có thu nhập ổn định.
Đạt được kết quả trên là do thị xã đã quan tâm tới công tác đào tạo. Ngay từ những tháng đầu năm, thị xã đã giao cho Phòng Kinh tế trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp để rà soát, nắm bắt nguồn nhân lực; về trình độ chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh và trình độ quản lý doanh nghiệp để từ đó xây dựng kế hoạch, mở lớp học nghề cho người lao động. Bằng nguồn vốn Nhà nước, thị xã đã phối hợp với các phòng, ban chức năng có liên quan tổ chức dạy nghề làm chiếu cói bằng máy cho 100 lao động là đoàn viên, dạy nghề móc sợi cho 31 người khuyết tật tại Doanh nghiệp tư nhân Thanh Thúy…
Nhìn chung, những lao động đào tạo tại các doanh nghiệp đều được tuyển vào làm việc hoặc được giới thiệu cho các doanh nghiệp bạn. Bước đầu công nhân có việc làm ổn định và thu nhập khá. Đến nay, thị xã đã có nhiều cá nhân, chủ cơ sở, doanh nghiệp mới được thành lập hoặc mở rộng, đầu tư công nghệ mới, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Chí Tình, Chủ tịch UBND thị xã đã đánh giá: Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Tam Điệp hoạt động có hiệu quả, tiếp cận nhanh với kinh tế thị trường, kinh doanh đa ngành nghề, sản xuất những mặt hàng theo nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng…
Tuy nhiên, số cơ sở hoạt động không hiệu quả cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ, chủ yếu là các cơ sở sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ. Sở dĩ các cơ sở CN - TTCN làm ăn không hiệu quả bởi thiếu chủ động trong sản xuất, chưa theo kịp với những biến chuyển của thị trường; nhiều cơ sở sau khi được thành lập không duy trì được hoạt động do nguồn vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún.
Để khắc phục những mặt còn hạn chế, thúc đẩy CN - TTCN phát triển, thị xã Tam Điệp đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, như ưu tiên cho vay vốn, giúp các cơ sở sản xuất CN - TTCN có thêm nguồn lực để hoạt động. Từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục cơ sở sản xuất CN - TTCN được tạo điều kiện vay vốn, với số tiền 2.540 tỷ đồng, tăng 134% so với cùng kỳ năm trước. Qua điều tra, phần lớn các cơ sở sản xuất CN - TTCN sau khi được vay vốn đều đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lãi.
Để tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy CN - TTCN phát triển, thị xã Tam Điệp tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, nhất là về vốn, để các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, nhằm hướng các thành phần kinh tế phát triển bền vững, tạo nhiều ngành nghề, việc làm mới cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế thị xã đi lên.
Bài, ảnh: Vân Anh