Nguồn lợi kinh tế lớn Nhiều năm nay, vụ đông nào nông dân xã Khánh Thủy (huyện Yên Khánh) cũng trồng cây trạch tả. Đây là loại cây dược liệu có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, ưa chân đất trũng, cho năng suất cao trên đất 2 vụ lúa, thích hợp với thời tiết vụ đông và mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Gia đình chị Trần Thị Lành, xóm 3, Khánh Thủy năm nay trồng 3 mẫu trạch tả, chị cho biết: Giống cây này khá dễ trồng, việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng không có gì đặc biệt, vất vả mỗi công đi vặt chồi. Đầu tư trồng 1 sào trạch tả mất khoảng 800 nghìn đồng, sau 4 tháng thì có thể thu hoạch, năng suất đạt khoảng 1-1,2 tạ củ khô /sào, với giá bán 30-40 nghìn đồng/1kg mỗi sào trạch tả có lãi khoảng 2,5-3 triệu đồng. "Nhà tôi 3 đứa con học đại học đều nhờ loại cây này.
Năm nay, được Sở Nông nghiệp &PTNT và HTX kết nối đưa Công ty về ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nông dân chúng tôi càng yên tâm hơn, chỉ lo chăm sóc để đạt năng suất cao nhất thôi." - chị Lành không giấu khỏi niềm vui.
Trao đổi với ông Trương Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thủy, chúng tôi được biết: Phong trào trồng cây thuốc nam phát triển mạnh trên địa bàn xã vài năm trở lại đây. Với đầu ra khá ổn định, thu nhập cao, người dân đang hình thành nếp nghĩ, cách làm và hy vọng gắn bó lâu dài với giống cây này.
Còn ở một thung lũng bốn bề núi đá thuộc xã Văn Phương, huyện Nho Quan, rất nhiều giống cây thuốc quý đang được Công ty TNHH dược thảo Hoàng Thành NB trồng khảo nghiệm tại đây, tất cả đều phát triển rất tốt và đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Chị Phạm Thị Ngọc Nhật, Phó Giám đốc Công ty vui mừng cho biết: Với 11,5 ha đất thuê lại của bà con, chúng tôi đang đưa vào trồng khảo nghiệm 8 loại cây thuốc với quy mô 1-2 ha/loại, gồm: Ngưu tất, Địa hoàng, Đan sâm, Mạch môn, Đương quy Nhật Bản, Cúc hoa, Cát cánh, Bạch biển đậu.
Các loại cây này đều phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất, chất lượng dược liệu tốt. Dự kiến sẽ cho doanh thu trên 300 triệu đồng/ha/năm.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đinh Công Nguyên, Chủ tịch UBND xã Văn Phương cho biết: Đất đai, khí hậu miền núi khô cằn, khắc nghiệt lâu nay đã làm khó người dân chúng tôi. Nhưng thật không ngờ, nhiều loại cây thuốc lại cho hàm lượng hoạt chất cao khi trồng ở đây.
Thành công ban đầu của Công ty Hoàng Thành đang mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế của những người dân sống ở những địa bàn miền núi khó khăn như Văn Phương.
Hiện tại, một số lao động địa phương đã được Công ty nhận vào làm việc và có mức thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Chính quyền xã đang tiếp tục vận động góp đất, góp công tiếp tục cùng Công ty mở rộng quy mô sản xuất.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế: Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, xu hướng "trở về thiên nhiên" với việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng. Vậy nhưng, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước với tỷ lệ gần 90%.
Cụ thể, với các dược liệu thảo dược, chúng ta mới chỉ cung cấp được khoảng 25% (15.600 tấn/năm), phần còn lại phải nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore...
Mục tiêu của Việt Nam đề ra là đến năm 2020 phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, do vậy thời gian tới nhu cầu của thị trường về dược liệu sẽ rất lớn.
Để khai thác tốt tiềm năng
Ninh Bình có diện tích cây trồng hàng năm trên 110 nghìn ha. Tuy nhiên, tỷ lệ trồng cây lược liệu còn khá khiêm tốn: Vùng dược liệu trạch tả trồng vụ đông tại Kim Sơn, Yên Khánh gần 150 ha; vùng dược liệu Bồ công anh, Bạch chỉ (tại các xã Chính Tâm, Xuân Thiện, Chất Bình của huyện Kim Sơn và Khánh Thủy, huyện Yên Khánh) khoảng 50 ha; vùng dược liệu Đương Quy, Ngưu bàng, Sinh địa ở huyện Nho Quan gần 20 ha.
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư về dược liệu trên địa bàn tỉnh, đồng thời đưa ra các giải pháp giải quyết những khó khăn, mở hướng phát triển bền vững các vùng dược liệu trên địa bàn, vừa qua UBND huyện Nho Quan phối hợp với Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại - Sở Nông nghiệp &PTNT, Công ty TNHH dược thảo Hoàng Thành NB đã tổ chức hội nghị liên kết phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện.
Tại đây, nhiều giải pháp, định hướng mang tính chiến lược đã được đưa ra như: Phát triển dược liệu theo hướng bền vững với sự tham gia của bốn nhà (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp); vận động và thu hút các doanh nghiệp dược phẩm trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, hỗ trợ chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn; tuyên truyền, vận động để bà con thấy được giá trị, hiệu quả kinh tế của cây dược liệu, từ đó mở rộng diện tích…
Đặc biệt, tại hội nghị, lãnh đạo huyện Nho Quan đã cam kết sẽ có chính sách hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển dược liệu trong thời gian tới như: Hỗ trợ về thủ tục hành chính, thuê đất; hỗ trợ chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước…
Đại diện Công ty dược thảo Hoàng Thành cho biết: Những cam kết này chính là cơ sở pháp lý gỡ nút thắt, tạo cơ chế thông thoáng giúp các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi với môi trường đầu tư tại địa phương.
Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục hợp tác với các hộ dân, cung cấp một phần giống, phân bón và bao tiêu đầu ra cho toàn bộ sản phẩm, phấn đấu mở rộng quy mô sản xuất lên từ 50-100 ha cho 5-8 loài dược liệu trọng điểm.
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại khẳng định: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp &PTNT phối hợp cùng với Sở Y tế tiến hành rà soát lại các chính sách để đề xuất, xây dựng các ưu đãi dành riêng cho việc phát triển cây dược liệu. Đồng thời Ninh Bình sẽ đề nghị Bộ Y tế bổ sung Ninh Bình vào danh sách vùng quy hoạch dược liệu quốc gia.
Còn theo ông Bùi Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý dược liệu, Cục quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) thì: So với các loại cây công nghiệp và lương thực khác, cây dược liệu có đặc điểm riêng biệt cả về mô hình sản xuất, vấn đề thị trường cũng như quy trình chế biến, tiêu chuẩn chất lượng.
Vì thế, việc kết nối giữa doanh nghiệp với người dân có vai trò cực kỳ quan trọng để phát triển bền vững ngành công nghiệp dược liệu. Bên cạnh đó, trong thời gian khởi động chương trình phát triển dược liệu của tỉnh, nên chọn các loại cây ngắn ngày và thử nghiệm trên quy mô nhỏ trước khi nhân rộng.
Mục tiêu là để hạn chế rủi ro khi cây chưa thích nghi được với điều kiện canh tác; năng suất, chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu, đồng thời cũng để người dân làm quen với kỹ thuật mới và đánh giá hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó sẽ tham gia tích cực hơn vào việc phát triển dược liệu.
Có thể thấy, những bước đi cụ thể hóa chính sách của các địa phương, đơn vị quản lý và các doanh nghiệp nêu trên sẽ là tiền đề để cây dược liệu trở thành cây chiến lược trong phát triển kinh tế ở Ninh Bình, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Bài, ảnh: Hà Phương