Khó khăn trong việc xác định số doanh nghiệp.
Ông Lê Hùng Sơn, cho biết, từ đầu năm tới nay tỉnh Ninh Bình có hơn 200 doanh nghiệp được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh lên hơn 1.000 doanh nghiệp. Theo Luật BHXH thì toàn bộ số doanh nghiệp này thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Hơn 80% doanh nghiệp trong số này có mã số thuế. Khi các doanh nghiệp kê khai nộp thuế, nghĩa là đơn vị có hoạt động và doanh thu. Như vậy, theo lý thuyết thì cơ quan BHXH chỉ cần nắm danh sách từ ngành Thuế là có số liệu về doanh nghiệp và người lao động ở khu vực này, từ đó buộc các doanh nghiệp tham gia BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, ngành BHXH tỉnh cho rằng, việc rà soát số doanh nghiệp trên địa bàn không đơn giản. Bởi lẽ, đến hết quý III/2008, mới có 361 doanh nghiệp tham gia đóng BHXH, BHYT cho gần 16 nghìn lao động. Như vậy, còn lại hơn 600 doanh nghiệp nữa "trốn" ở đâu?
Theo phản ánh của cán bộ BHXH các huyện, thị thì khi đi xác định những doanh nghiệp này, có những doanh nghiệp không hoạt động, thậm chí có cả những doanh nghiệp "ma". Những doanh nghiệp "ma" này được thành lập chỉ để làm những việc phi pháp như buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng kiếm lời bất chính. Thực tế này lý giải phần nào cho việc "vênh" nhau về số doanh nghiệp ngoài quốc doanh giữa các cơ quan hiện nay.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp "trốn" đóng BHXH, BHYT cho người lao động, ông Lê Hùng Sơn cho rằng: "Ý thức của chủ sử dụng lao động là vấn đề mấu chốt. Để duy trì và mở rộng sản xuất, hầu hết các doanh nghiệp đều phải vay vốn ngân hàng, áp lực về vốn khiến họ "giảm" những khoản chi mà không mang lại lợi nhuận trước mắt. Trong khi đó, nếu tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, thì bình quân mỗi tháng các doanh nghiệp phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ. Vì vậy, các doanh nghiệp này dùng mọi "mánh" để "trốn" tham gia BHXH, BHYT nhằm chiếm dụng số tiền này để quay vòng sản xuất.
Ông Trần Văn Tuyến, Trưởng phòng thu BHXH tỉnh cho biết: "Những doanh nghiệp này chỉ ký hợp đồng lao động với người lao động trong thời hạn… dưới 2 tháng, tích cực tuyển dụng những lao động mùa vụ để trốn tham gia BHXH. Một số doanh nghiệp thì khai "hụt" số lao động so với thực tế nhằm giảm chi phí đóng BHXH. Điển hình như Công ty TNHH Foton (Khu công nghiệp Gián Khẩu). Công ty này hiện đang sử dụng hàng trăm lao động, nhưng số lao động được đóng BHXH thì chỉ có… 3 người. Những lao động còn lại nếu muốn đóng BHXH thì phải tự trích ra 20% lương (theo quy định, người lao động chỉ phải bỏ ra 5% lương, doanh nghiệp sẽ phải đóng 15% còn lại). Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ phía người lao động. Người lao động thì chịu áp lực về việc làm nên không dám đòi hỏi quyền lợi. Mặt khác, ý thức về BHXH đối với những người lao động này cũng còn rất mơ hồ. Nhiều lao động từ chối đóng BHXH, BHYT chỉ vì suy nghĩ không biết có gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hay không?...
Đến những khoản nợ… khó đòi
"Hiện nay, thu nhập của công nhân còn ở mức thấp, mới chỉ đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu. Nếu xảy ra tai nạn, ốm đau hoặc hết tuổi lao động, thì cuộc sống của công nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, phương pháp tốt nhất để thể hiện sự chăm lo, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động chính là chủ sử dụng lao động phải tham gia đóng BHXH, BHYT cho người lao động… ". Với quan điểm đó, ngay từ khi Công ty mới đi vào hoạt động, ông Hồ Tiến Lai, Giám đốc Công ty TNHH May Đài Loan đã thực hiện đóng BHXH cho toàn bộ cán bộ, công nhân Công ty. Mỗi tháng, Công ty đều đặn nộp cho BHXH tỉnh gần 600 triệu đồng.
Công ty TNHH may Đài Loan đã thực hiện đóng BHXH cho người lao động.
Tuy nhiên, số đơn vị nghiêm túc chấp hành Luật BHXH như Công ty TNHH May Đài Loan không nhiều. Trong tổng số 361 doanh nghiệp tham gia đóng BHXH, thì số đơn vị còn nợ tiền BHXH chiếm tỷ lệ cao. Một số doanh nghiệp có tên tuổi, nợ đọng với số tiền lớn như: Công ty cổ phần cơ khí lắp máy nợ 1,9 tỷ đồng; Nhà máy xi măng Vinakansai: 1,9 tỷ đồng; Công ty May xuất khẩu: 1,6 tỷ đồng; DNTN Giấy Tiến Dũng: 121 triệu đồng; Công ty TNHH Dương Giang: 243 triệu đồng…
Ông Trần Văn Tuyến, Trưởng phòng thu BHXH tỉnh cho biết: "Phương pháp thu nợ chủ yếu mới chỉ là hình thức tuyên truyền, vận động. Hàng tháng, BHXH gửi các thông báo bằng văn bản tới từng đơn vị nợ đọng tiền BHXH, đồng thời cử cán bộ đi đôn đốc. Nhưng biện pháp này không hiệu quả. Trong văn bản phúc đáp, phần lớn các doanh nghiệp đều đưa ra lý do khó khăn về tài chính để khất nợ, có doanh nghiệp thì tránh mặt khi cán bộ BHXH, thậm chí cả khi đoàn kiểm tra liên ngành tới kiểm tra, đôn đốc…".
Ông Hồ Tiến Lai, Giám đốc Công ty TNHH May Đài Loan cho biết: "Những biến động về kinh tế thế giới trong thời gian qua thực sự có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để có vốn để duy trì sản xuất, một số doanh nghiệp đành chậm nộp tiền BHXH. Nhưng, cũng có trường hợp doanh nghiệp đưa ra lý do khó khăn về tài chính nhằm đối phó, chây ỳ khoản nợ. Vì vậy, cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng như thuế, BHXH.... Thực tế, việc kiểm tra năng lực thực sự của doanh nghiệp rất đơn giản, có thể kiểm tra hóa đơn, chứng từ của kế toán, xem công nhân có việc làm thường xuyên không?...".
Thực tế, ở nước ta đã có nhiều khung hình phạt nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp vi phạm Luật BHXH như: Kiện ra Tòa, đóng cửa doanh nghiệp... Nhưng thực tế, những đơn vị bị áp dụng khung hình phạt cao này mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã từng xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Những nạn nhân xấu số này đã không được hưởng những quyền lợi vốn thuộc về họ. Đã đến lúc, việc đôn đốc thực thi Luật Bảo hiểm xã hội không thể chỉ là biện pháp tuyên truyền.
Thu Hằng-Phạm Trường