Chủ động tham gia phát triển kinh tế Mô hình sản xuất rau an toàn của anh Phạm Văn Dũng, xóm 7, xã Khánh Thành được nhiều người dân ở đây nhắc đến như một điển hình về đổi mới trong phát triển kinh tế nông thôn. Trên diện tích 5 ha đất thuê của các hộ dân không có nhu cầu sản xuất, anh Dũng đào ao thả cá và cải tạo đất đai trồng rau an toàn. Hiện gia đình anh có 1,5 ha ao nuôi các loại cá truyền thống như: trôi, trắm, chép, mè. Mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 20 tấn cá thương phẩm.
Đặc biệt, anh Dũng đã phát huy tốt sự hỗ trợ về kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện Yên Khánh trong việc triển khai thí điểm đề án tái cơ cấu nông nghiệp để trồng 3,5 ha rau an toàn với các loại rau chính: mướp đắng, bí xanh, dưa chuột, mướp Nhật... Bình quân mỗi tháng mô hình xuất bán 30 tấn rau an toàn cho các cửa hàng rau sạch tại Hà Nội và cho thương lái. Sau khi trừ chi phí gia đình anh Dũng có doanh thu đạt từ 1,6-1,7 tỷ đồng/năm.
Tại xã Khánh Thành, đơn vị được chọn làm điểm tái cơ cấu của tỉnh, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và Sở Nông nghiệp và PTNT, hàng trăm hộ dân địa phương đã chủ động nắm bắt thông tin, quy trình, kỹ thuật và đẩy mạnh áp dụng vào chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, đảm bảo hiệu quả kinh tế cũng như độ an toàn của tất cả các nông sản làm ra.
Đến nay, 100% số vùng sản xuất trồng trọt của Khánh Thành được chứng nhận là vùng sản xuất trồng trọt đủ điều kiện an toàn, trong đó có 3 vùng sản xuất lúa VietGAP, 1 vùng rau VietGAP. Địa phương cũng được chứng nhận là xã an toàn dịch bệnh và xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi từ đất trồng hai vụ lúa sang nuôi, trồng các cây con có hiệu quả kinh tế cao hơn như: mô hình trồng ổi kết hợp nuôi cá; mô hình lúa cá; mô hình rau an toàn; mô hình liên kết sản xuất đậu xanh giống…
Các mô hình bước đầu được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao, một số sản phẩm của các xã đã tham gia vào chuỗi giá trị, có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân Yên Khánh đã nhạy bén, nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật, xây dựng thành công nhiều mô hình gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trên địa bàn huyện đã có 250 mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao ở tất cả các lĩnh vực và 4 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn thực phẩm. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác ước đạt từ 200-250 triệu đồng, và có nhiều mô hình đạt giá trị trên 500 triệu đồng/ha qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân toàn huyện từ 11 triệu đồng/người (năm 2010) lên trên 41 triệu đồng/người (năm 2018).
Chủ thể trong xây dựng kết cấu hạ tầng...
Người dân không chỉ là chủ thể phát triển kinh tế mà còn đóng góp nhiều trí tuệ, công sức vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Đồng chí Phạm Văn Bá, Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nhạc cho biết: Năm 2011, Khánh Nhạc bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn, nhưng chỉ sau 3 năm, địa phương đã cán đích nông thôn mới một cách ngoạn mục.
Để có được thành quả đó không thể không nhắc đến vai trò chủ thể của người dân trong tất cả các khâu từ lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát chất lượng các công trình và cũng chính là người thụ hưởng, người giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo hệ thống đường giao thông, các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn...
Điển hình như các hộ dân đã tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng để làm mới tuyến đường vào xóm 10B dài 300m, tuyến xóm 4B dài 100m, tuyến từ xóm 7 đến xóm 10C... Trên địa bàn xã có nhiều tấm gương điển hình trong hiến đất, góp tiền, góp công xây dựng nông thôn mới đã được huyện ghi nhận và khen thưởng. Với sự chủ động của người dân, đã góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí và Khánh Nhạc được các cấp, ngành công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí mới.
Không chỉ ở Khánh Nhạc, người dân ở tất cả các xã của huyện Yên Khánh đều phát huy tốt vai trò chủ thể của mình trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Với nhiều hình thức hoạt động phong phú, các hộ dân đã đóng góp gần 100 tỷ đồng, hàng triệu ngày công, hiến gần 126 ha đất để làm mới, sửa chữa và nâng cấp hàng trăm km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và 205 nhà văn hóa thôn, xóm. Ngoài ra, người dân còn chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải theo đúng quy định.
... và xây dựng đời sống văn hóa
Chúng tôi về xã Khánh Tiên đúng vào dịp Câu lạc bộ múa trống đang hân hoan chuẩn bị các tiết mục tham dự Hội diễn cụm 4 xã (Khánh Hải, thị trấn Yên Ninh, Khánh Lợi, Khánh Tiên). Chị Nguyễn Thị Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, đồng thời là diễn viên múa trống cho biết: Người dân Khánh Tiên chúng tôi rất phấn khởi trước sự đổi mới của quê hương, nhất là khi huyện Yên Khánh trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Ninh Bình theo tiêu chí mới. Chúng tôi muốn tiếp tục thông qua điệu múa trống góp sức mình vào việc truyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là về vai trò chủ thể của người dân trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Khánh Tiên cho biết: Việc duy trì và phát triển Điệu múa trống truyền thống và phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở Khánh Tiên đã góp phần không nhỏ trong thực hiện các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học; thực hiện nếp sống văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa sạch đẹp, an toàn; thể dục thể thao… được nhân dân trong xã đồng tình hưởng ứng. Thông qua phong trào đã gắn kết tình làng nghĩa xóm và giảm các tai, tệ nạn ở nông thôn.
Đến nay, trên địa bàn xã chưa phát hiện trường hợp nghiện hút. Các hộ được công nhận gia đình văn hóa cũng ý thức, trách nhiệm hơn với cộng đồng. Toàn xã có 8/10 thôn xóm đạt tiêu chuẩn xóm văn hóa; 3/10 xóm được UBND huyện công nhận danh hiệu văn hóa 3 năm liền liên tục; trên 93% gia đình đạt danh hiệu văn hóa giúp xã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2017.
Tính đến nay, toàn huyện có 249 câu lạc bộ văn nghệ, 200 câu lạc bộ các môn thể thao ở các cơ quan, các xã, thị trấn. Mỗi năm các xã, thị trấn đều tổ chức 5-7 cuộc thi, hội diễn văn nghệ, 3-5 giải thi đấu các môn thể thao cấp xã. Nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa được duy trì và phát triển như: Hát chèo Khánh Trung, Khánh Cường, múa trống Khánh Tiên... C
ác hình thức sinh hoạt cộng đồng được quan tâm thực hiện và từng bước đi vào nề nếp. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đẩy mạnh đã gắn kết tình làng nghĩa xóm ở khu vực nông thôn. Yên Khánh có 89,8% số thôn, xóm văn hóa, 100% thôn, xóm đã xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước. Có thể nói, sự gắn kết giữa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã góp phần khơi dậy niềm tin, sự thi đua sáng tạo trong từng thôn, xóm và mỗi người nông dân, phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng, ý thức tự giác, tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Giáng Hương