Khẩu hiệu ngày làm việc 8 giờ sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh. Sau đó phát triển mạnh ở nước Mỹ, đi đôi với nó là sự nảy nở và phát triển của phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm việc 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Đến ngày 1-5-1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình.
Ngày 20-6-1889, Quốc tế Cộng sản lần thứ II nhóm họp tại Paris (Pháp), dưới sự lãnh đạo của Ăng-ghen, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày 1-5 trở thành Ngày Quốc tế lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời năm 1930, giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân - đế quốc, giành độc lập, tự do, dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. Ngày nay, ngày Quốc tế lao động đã trở thành ngày hội lớn của hai giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH chế biến và XNK gỗ Tài Anh.
Cùng với sự phát triển của CNVCLĐ cả nước, đội ngũ CNVC-LĐ Ninh Bình phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đến nay toàn tỉnh có hơn 64.000 CNVC-LĐ, tăng gần 20.000 người so với năm 2004, cơ cấu đa dạng giữa các ngành nghề, các thành phần kinh tế; trong đó hơn 40.000 CNLĐ làm việc ở các doanh nghiệp, chủ yếu là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong tỉnh, tổ chức công đoàn Ninh Bình đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện nâng cao trình độ mọi mặt cho CNVC-LĐ, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại đa số CNVC-LĐ gương mẫu, chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vững truyền thống và bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, của quê hương Ninh Bình, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, có ý thức tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội; tích cực phòng, chống các tệ nạn xã hội; phát huy vai trò nòng cốt trong khối liên minh công nhân - nông dân và đội ngũ trí thức.
Thông qua "Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động" đã có 6.447 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất của CNVC-LĐ được áp dụng vào thực tiễn (tăng 2,2 lần so với nhiệm kỳ trước) với tổng giá trị làm lợi gần 20 tỷ đồng; có 212 đề tài, sáng kiến và giải pháp hữu ích được Hội đồng KHKT cấp tỉnh công nhận; trong đó có 70 đề tài khoa học xuất sắc được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng và Huy hiệu Lao động sáng tạo; có 208 công trình, sản phẩm (tăng 51% so với nhiệm kỳ trước) chào mừng các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của địa phương và tổ chức Công đoàn Việt Nam; công tác nghiên cứu khoa học của đội ngũ CNVC-LĐ ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực. Những năm gần đây xuất hiện nhiều đề tài về các lĩnh vực như: công tác xây dựng Đảng, đổi mới quản lý hợp tá xã, vai trò người phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình; nghiên cứu về vấn đề dân tộc, tôn giáo; ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính, vào công tác khám, chữa bệnh và dạy học.
Với "Phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn" đã khẳng định vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ CNVC-LĐ. Những năm qua, cán bộ, CNVC-LĐ đã tích cực đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế nông nghiệp và thực hiện đạt hiệu quả nhiều đề tài khoa học, các chương trình dự án như: Phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp, mở rộng các làng nghề truyền thống như thêu ren, mây tre đan, các sản phẩm bằng cói, bèo, chế tác đá mỹ nghệ... Đặc biệt, từ năm 2006, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã tích cực theo dõi, giúp đỡ các xã, thị trấn thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông, góp phần quan trọng đưa diện tích vụ đông tăng hơn 40% so với năm 2005. Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng chương trình giảm nghèo và chỉ đạo LĐLĐ huyện, thành phố, thị xã và công đoàn ngành thực hiện, đồng thời thành lập tổ công tác để theo dõi, giúp đỡ 3 xã Yên Thành, Yên Thái, Yên Đồng (huyện Yên Mô) thực hiện giảm nghèo. LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết làm việc với huyện và các xã, Công đoàn ngành Y tế và một số doanh nghiệp để thực hiện một số chương trình giảm nghèo ở 3 xã như: Hỗ trợ 2.000 con gà giống cho 65 hộ nghèo; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 651 người nghèo; hỗ trợ 3 tấn phân lân Ninh Bình, tổ chức tập huấn 7 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật sử dụng phân bón và chăn nuôi gà; thăm và tặng 30 suất quà cho hộ nghèo trong dịp Tết, hỗ trợ tiền làm nhà cho cô giáo Trường mầm non Yên Thành…, với tổng kinh phí trên 70 triệu đồng.
Thiết thực tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng một số chương trình hoạt động lớn, trong đó tiếp tục thực hiện các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội như tiến hành khảo sát tình hình việc làm, đời sống của CNVC-LĐ. Nhân dịp Tết Nguyên đán, công đoàn các cấp đã quan tâm thăm hỏi, tặng 220 suất quà cho CNVC-LĐ khó khăn, thăm và chúc Tết cán bộ chuyên trách công đoàn đã nghỉ hưu, thăm và tặng quà 10 đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ trong những ngày Tết với tổng kinh phí gần 60 triệu đồng. Đồng thời tiến hành hỗ trợ các công trình chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Công đoàn Việt Nam như: Khảo sát và thẩm định 35 hồ sơ đề nghị hỗ trợ làm nhà và sửa chữa nhà ở cho CNLĐ nghèo từ nguồn Quỹ "Mái ấm công đoàn" (trong đó LĐLĐ tỉnh nhận được sự hỗ trợ 500 triệu đồng của Quỹ "Tấm lòng vàng Báo Lao động"); hỗ trợ 3 nhà văn hóa thôn, 10 bể nước sạch cho hộ gia đình nghèo, trao 1.700 chiếc quần, áo từ sự ủng hộ của Công ty may xuất khẩu Đài Loan cho bà con của 3 xã Yên Đồng, Yên Thành, Yên Thái (huyện Yên Mô) (với tổng số tiền trên 600 triệu đồng). Từ năm 2004 đến nay, cán bộ, CNLĐ ngành Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với các huyện, thị xã, hợp tác xã nông nghiệp thành lập nhiều câu lạc bộ khuyến nông và mở gần 700 lớp tập huấn hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho hàng chục vạn bà con nông dân…, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục nghìn lao động nông thôn.
Phơi gạch mộc ở Công ty Cổ phần gạch ngói Gia Thanh.
Phong trào thi đua học tập, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để hội nhập và phát triển được các cấp công đoàn quan tâm, chủ động tham gia với chuyên môn tạo điều kiện cho CNVC-LĐ học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, Tin học, ngoại ngữ, Lý luận chính trị… Tổ chức Công đoàn ở nhiều doanh nghiệp đã tham gia tốt với chuyên môn tổ chức cho CNLĐ được học nghề, đào tạo lại nghề; thường xuyên tổ chức các hội thi "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi", thi nâng bậc cho CNLĐ hàng năm. Kết quả năm qua, toàn tỉnh có 1.650 người theo học chương trình cao đẳng, đại học; trên đại học 70 người; trung cấp chính trị 500 người; cao cấp chính trị 115 người; tỷ lệ CNLĐ được đào tạo nghề đạt 65%.
Công đoàn các cấp tích cực tham gia với chuyên môn trong việc triển khai chế độ tiền lương mới theo Nghị định số 166/2007/NĐ-CP của Chính phủ; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra việc thực hiện Bộ luật Lao động ở các doanh nghiệp thuộc tỉnh và các ngành Trung ương quản lý; kiểm tra 10 năm thực hiện quy chế dân chủ của các cơ quan, đơn vị. Tiến hành khảo sát tình hình 13 năm thực hiện Bộ luật Lao động ở một số LĐLĐ huyện và công đoàn ngành; phối hợp với chuyên môn xét nâng lương, nâng bậc cho hơn 900 cán bộ, CNVC-LĐ. Kịp thời tham gia với các cơ quan chuyên môn giải quyết có hiệu quả 5 cuộc đình công của hơn 1.000 CNLĐ ở huyện Gia Viễn, huyện Hoa Lư và huyện Yên Khánh.
Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn, thẩm định các dự án và ra quyết định cho cán bộ, CNVC-LĐ vay vốn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Hiện nay, LĐLĐ tỉnh đang trực tiếp quản lý 12 dự án cho cán bộ, CNVC-LĐ vay từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm của Tổng Liên đoàn với số tiền là 950 triệu đồng.
Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn tỉnh. Năm 2008 và quý I năm 2009, toàn tỉnh đã kết nạp trên 2.000 đoàn viên, thành lập 25 công đoàn cơ sở (có 13 công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài quốc doanh).
Thiết thực kỷ niệm 80 năm thành lập Công đoàn Việt Nam và chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Ninh Bình, Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam và Chương trình hành động số 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" nhằm xây dựng đội ngũ CNLĐ Ninh Bình phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, ngày càng được trí thức hóa, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình văn minh, giàu đẹp.
Nguyễn Thị Thanh
TVTU, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình