Trước thực tế đó, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã phát huy nội lực, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định thu nhập cho nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, cũng trong năm 2022 này, trên cơ sở tham mưu của các địa phương, đơn vị, tỉnh cũng đã chủ động bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo.
Vợ chồng anh Đinh Văn Nguyên ở thôn Sấm 3, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) gây dựng cuộc sống với hai bàn tay trắng. Thêm vào đó, cả hai vợ chồng không có nghề, không có kiến thức để làm ăn, lại sinh nhiều con, nên gia đình anh Nguyên đã "rơi" xuống mức hộ nghèo từ vài năm trước. Sau bao cố gắng, cuối cùng gia đình anh Nguyên cũng chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo vào cuối năm 2022. Anh Nguyên được Hội Nông dân tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng chuồng trại để nuôi dê. Đồng thời, anh còn được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển đàn dê. Chỉ sau vài năm dày công chăm sóc, từ 5 con ban đầu, đến nay đàn dê phát triển lên trên chục con, cuộc sống gia đình dần được cải thiện.
Anh Nguyên phấn khởi cho biết: Trong khi tôi tập trung chăm sóc đàn dê thì vợ tôi vừa đi làm công nhân, vừa tranh thủ chăn nuôi thêm lợn, gà để tăng thu nhập. Năm 2022, chúng tôi chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo. Kết quả này là động lực để gia đình tôi phấn đấu nhiều hơn nữa trong phát triển kinh tế thời gian tới.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xã Gia Xuân (huyện Gia Viễn) đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Xã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể chịu trách nhiệm giúp đỡ gia đình các hội viên nghèo. Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của mình, các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… đều linh động, sáng tạo và chủ động trong cách hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, như: hỗ trợ giống, vốn, kiến thức…
Từ sự hỗ trợ thiết thực này, nhiều hộ nghèo đã vươn lên, điển hình như gia đình bà Vũ Thị Châm ở thôn Mưỡu Giáp 1. Chồng bà mất sớm, các con tuy đã có gia đình nhưng vì hoàn cảnh cũng rất khó khăn nên chưa có điều kiện chăm lo cho mẹ. Mối lo lớn nhất của bà Châm là ngôi nhà đã bị xuống cấp nhưng không có khả năng cải tạo, sửa chữa. Đầu năm 2022, bà Châm được huyện, xã và các nhà hảo tâm hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mới ngôi nhà nhỏ. Được bà con làng xóm, các đoàn thể giúp đỡ ngày công, anh em trong dòng họ ủng hộ thêm kinh phí, chỉ vài tháng thi công, ngôi nhà đã hoàn thiện và bàn giao cho bà Châm. "Có nhà kiên cố, tôi yên tâm để lao động. Sau đó, tôi còn được hỗ trợ con giống để chăn nuôi, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống. Hiện nay, cuộc sống của tôi đã ổn định, tôi rất vui khi được ra khỏi danh sách hộ nghèo từ cuối năm 2022"- bà Châm phấn khởi nói.
Ông Đặng Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Xuân cho biết: Trăn trở lớn nhất của địa phương là làm thế nào để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, nhưng phải là thoát nghèo bền vững. Muốn vậy, cần làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm để người lao động nói chung, người nghèo nói riêng có sinh kế để mưu sinh dài lâu. Với phương châm ấy, địa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên những đơn vị phát triển ngành, nghề có thể tạo việc làm cho lao động địa phương như: cơ khí, sửa chữa nhỏ, nghề mộc, nề, thủ công mỹ nghệ… Ngoài ra, với lợi thế là gần Khu công nghiệp Gián Khẩu, hiện toàn xã có trên 1 nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp với mức lương ổn định. Sẵn cơ hội tìm việc làm ở ngay tại địa phương, nhiều năm qua, lực lượng lao động nông thôn ở Gia Xuân khá ổn định, rất ít trường hợp phải ly hương tìm việc.
Đối với những hộ nghèo neo đơn, có người ốm đau, bệnh tật thì địa phương khơi dậy tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc, huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng dành cho người nghèo. Hiện nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội của xã đạt trên 100 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, địa phương đã trích để thực hiện các hoạt động thiết thực như: hỗ trợ nhà ở, tặng giống, cho vay vốn… để các gia đình vươn lên cải thiện cuộc sống.
Với việc chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong phát triển kinh tế, theo kết quả rà soát sơ bộ cuối năm 2022, toàn xã Gia Xuân đã giảm được 8 hộ nghèo, hiện nay chỉ còn 28 hộ nghèo, trong đó 2/3 số hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Bước vào giai đoạn 2022-2025, tỉnh ta còn 9.614 hộ nghèo, chiếm 3,07%; 10.881 hộ cận nghèo, chiếm 3,48%. Xác định rõ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh là "lực đẩy", còn nội lực sức mạnh của các địa phương mới là mấu chốt để hỗ trợ người nghèo hướng thoát nghèo hiệu quả, bền vững.
Trong năm 2022, mặc dù hậu quả của dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ, song các địa phương đã năng động, sáng tạo phát huy thế mạnh từng vùng, miền để phát triển kinh tế. Trên 20 nghìn người lao động nói chung, trong đó có không ít người nghèo đã được tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ vốn vay; trên 1 nghìn người đi xuất khẩu lao động, trong đó nhiều trường hợp được hỗ trợ vốn vay ưu đãi; nâng mức trợ cấp nuôi dưỡng cho các đối tượng trong cơ sở Bảo trợ xã hội… Những hộ còn trong độ tuổi lao động được hỗ trợ sinh kế phù hợp; người già, neo đơn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội thông qua các hoạt động rất thiết thực như: hỗ trợ nhà ở, tặng giống, vốn, trao quà, tặng sổ tiết kiệm… Nhờ đó, người nghèo có thêm nguồn lực, động lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo kết quả rà soát sơ bộ, trong tổng số 314.038 hộ được rà soát thì có 7.690 hộ thuộc diện nghèo, chiếm 2,45%; 8.857 hộ thuộc diện cận nghèo, chiếm 2,82%.
Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Số lượng hộ nghèo của tỉnh trong giai đoạn mới này không còn nhiều, các địa phương, đơn vị liên quan cũng đã nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách đặc thù trên cơ sở nguồn lực của tỉnh và thực sự phù hợp với tình hình thực tế để các chính sách phát huy hiệu quả. Hiện nay, tỉnh ta không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, do vậy không nhận kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Để thực hiện chương trình này, tỉnh đã tự cân đối ngân sách và bố trí kinh phí thực hiện tại Quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 11/8/2022 với tổng kinh phí 36.063 triệu đồng, thực hiện các dự án cụ thể như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (đang hoàn thiện thủ tục trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025); Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình…
Hiện nay, các dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục; thẩm định dự toán trình phê duyệt… ngay sau đó sẽ khẩn trương được thực hiện. Kỳ vọng rằng, với các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh, tiếp tục giảm thiểu việc cho không, chuyển nhiều sang hỗ trợ có điều kiện, để người nghèo phát huy nội lực, tính tự giác vươn lên, có như vậy công tác giảm nghèo ở tỉnh ta sẽ thực sự hiệu quả và bền vững.
Bài ảnh: Đào Hằng