Xuân Giáp Ngọ 2014 là năm thứ 3, Đại đức Thích Minh Quang, trụ trì chùa Đọ, xã Khánh Thiện (Yên Khánh) và chùa Hưng Long, xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình), Phó Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh thực hiện hoạt động xin và cho chữ, quyên góp tiền ủng hộ cho Quỹ khuyến học của tỉnh.
Có mặt tại Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu từ khá sớm, chị Đỗ Thu Hằng, phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) dẫn theo 2 con gái để xin chữ. Hai bé gái, 1 mới lớp 3 và 1 đang học lớp 9 rất phấn khởi với hoạt động xin và cho chữ đầy mới lạ. Rất háo hức, cả hai đều hy vọng năm mới học hành tấn tới, giỏi giang, chăm ngoan, khỏe mạnh nên được Đại đức viết tặng chữ Trí tuệ, Thông thái. Riêng chị Hằng làm nghề buôn bán, kinh doanh nên mong muốn được tặng chữ Phát đạt với hy vọng một năm mới thuận lợi trong kinh doanh…
Đối với ông Phạm Minh Toàn, phường Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình) lại là một sự tình cờ để xin được chữ mà mình ưng ý. Thời tiết đẹp, du xuân thăm thú núi Non nước và Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, thấy hoạt động cho chữ diễn ra ý nghĩa, ông vào đề xuất được xin chữ "Tâm". Theo suy nghĩ của ông Toàn, với con người mọi thứ đều phải bắt đầu bằng cái tâm, khi con người có tâm, thì sẽ làm nên mọi chuyện và thành công với những điều mình mong ước.
Càng về cuối buổi sáng người đến xin chữ càng đông hơn. Mọi người đều rất ý thức và trật tự xếp hàng chờ đến lượt mình. Ai đến trước được xin chữ trước, ai đến sau nhận chữ sau. Mặc dù số lượng người xin chữ khá đông nhưng đối với cả người cho chữ và xin chữ đều phải từ tốn, trật tự và kiên nhẫn. Người xin chữ không ngại mất thời gian, chờ đợi lâu, nét mặt ai cũng thể hiện sự háo hức, trân trọng và luôn mong muốn xin được một chữ mình tâm đắc, thể hiện đầy đủ ước nguyện của bản thân và gia đình trong năm mới. Mỗi chữ viết chỉ mất khoảng thời gian từ 30 giây đến 1 phút tùy thuộc độ dài của chữ, nhưng thời gian chờ để chữ khô, ráo mực có khi mất hàng vài chục phút, nhưng ai cũng vui vẻ, bình thản chờ chữ thật khô mới mang về. Nhiều người, khi đã nhận được chữ viết tặng của Đại đức Thích Minh Quang còn trân trọng đặt lên Ban thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, thắp hương kính cẩn cầu mong một năm mới đạt được những điều tốt đẹp như con chữ vừa xin được…
Đối với người cho chữ càng không thể vội vàng, nhanh chóng được. Không chỉ thận trọng, khoan thai dồn hết tâm tư, cái hồn của mình vào đường đi của từng nét cọ điêu luyện mà người cho chữ còn phải điều chỉnh nét thanh, nét đậm, cân đối kiểu chữ, khổ giấy để có cái hồn trong mỗi nét chữ, sao cho chữ đẹp cả hình thức và nội dung, thể hiện khả năng viết chữ đẹp của mình. Chữ thường được viết trên nền giấy hồng, giấy đỏ, là biểu tượng của những màu may mắn, tốt lành. Tùy thuộc vào nội dung của chữ mà người viết bằng mực nho hay nhũ vàng để có ý nghĩa nhất cho người đến xin chữ. "Viết chữ - cho chữ và xin chữ đầu Xuân là một phong tục đẹp, mang ý nghĩa văn hóa cao, biểu hiện cho ước mơ, hy vọng hướng tới chân- thiện- mỹ trong cuộc sống của con người và hiện phong tục này đang dần được khôi phục.
Hiện nay, người cho chữ dường như còn là người dạy chữ, vì có khá nhiều người xin chữ nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa của từng con chữ. Cho dù rất đông người chờ đến lượt để xin chữ, nhưng khi viết chữ, tôi không bao giờ vội vàng viết cho xong mà vừa viết chữ vừa giảng giải ý nghĩa của từng nét chữ cho người xin chữ để họ có thể hiểu được hết những ý nghĩa sâu sắc của từng con chữ. Năm nay tôi cũng đưa thêm chữ thư pháp, chữ quốc ngữ để viết cùng với chữ Hán, tạo thêm sự đa dạng và đẹp mắt cho người xin chữ "- Đại đức Thích Minh Quang, cho biết.
Thực tế cho thấy, người đến xin chữ đủ mọi lứa tuổi, thành phần và nhiều ngành nghề. Người trung niên xin chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhẫn; nam thanh, nữ tú xin các chữ: Danh, Duyên, Hiếu, Trung; người trẻ tuổi, còn đang đi học, xin chữ Thành đạt, Đăng khoa, Trí tuệ, Chí hướng; tặng bố mẹ xin chữ Tâm, An khang, Bình An; mừng các cụ cao tuổi không thể thiếu chữ Phúc, Lộc, Thọ... Người làm nghề buôn bán, kinh doanh thích các chữ Lộc, chữ Tín, Thành công, Phát đạt.... Mỗi chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm, tâm tư, mong ước thầm kín… hoặc một trạng thái tinh thần, một ý niệm tự răn mình, khuyên con, khuyên cháu ăn ở "có phúc có phần"…
Ông Lê Văn Toại, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh cho biết: Mỗi dịp đầu xuân năm mới, cùng với các hoạt động trong chương trình "Mùa xuân khuyến học" như khen thưởng, trao học bổng cho học sinh giỏi, tuyên dương gia đình, dòng họ hiếu học…, các cấp hội khuyến học trong tỉnh cũng đẩy mạnh phong trào quyên góp, ủng hộ Quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm không ngừng tăng số lượng quỹ, tạo điều kiện cho các em học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó học giỏi… được hưởng lợi từ các nguồn quỹ, quyết tâm học tập tốt. Năm nay là năm thứ 2, với tấm lòng của Đại đức Thích Minh Quang dành cho công tác khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục phối hợp cùng Đại đức duy trì tục xin chữ và cho chữ tại Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình) với mong muốn số tiền quyên góp được từ những người xin chữ sẽ đóng góp vào Quỹ khuyến học của tỉnh, góp phần có thêm những học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh học giỏi xuất sắc được động viên, trao thưởng kịp thời…
Thời gian không nhiều nhưng trong một buổi sáng đã có hàng trăm lượt người đến xin chữ, quyên góp được hơn 13 triệu đồng vào Quỹ khuyến học của tỉnh. Tin rằng, hoạt động mang ý nghĩa tốt đẹp này sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển trong những năm tiếp theo. Điều đó cũng khẳng định, cuộc sống hiện đại tưởng như làm con người ta quên đi những phong tục đẹp xưa cũ, nhưng không khí hồi hộp, trang trọng giữa người cho chữ và xin chữ tại sân Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu ngày mùng 9 Tết Âm lịch vừa qua là một minh chứng cho thấy những phong tục đẹp ngày Tết không dễ bị lãng quên và đang dần được khôi phục, phát huy…
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh