Dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Từ đó, giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Hướng dẫn viên du lịch là nghề "hot" tại Ninh Bình.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, đối với em Nguyễn Ngọc Tú (phường Hoa Lư) diễn ra không có nhiều áp lực. Tú không dùng kết quả thi để xét tuyển vào đại học, thay vào đó, em chủ động chọn đi học nghề. Nghề mà Ngọc Tú chọn đó là công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô.
“Em không tự tin có thể trúng tuyển vào các trường đại học tốp khá, vì vậy mà quyết định đi học nghề. Dẫu vậy, đây là lựa chọn được đưa ra sau khi em và gia đình suy nghĩ khá kỹ lưỡng, đồng thời nghe tư vấn từ rất nhiều người chứ không phải là giải pháp tình thế. Được biết, một trong những thế mạnh của tỉnh ta là phát triển ngành công nghệ ô tô, vì vậy, em lựa chọn ngành học này làm lối dẫn vào thị trường lao động. Tin tưởng rằng, với sự định hướng rõ ràng, bằng thái độ học tập nghiêm túc, em sẽ thành công trong công việc này”- Ngọc Tú nói.
Ngành, nghề kỹ thuật nói chung, nghề công nghệ ô tô nói riêng vốn không dễ học. Nó đòi hỏi ở người học khả năng tư duy, sự tỉ mỉ, tinh thần ham học hỏi và nỗ lực thích ứng với sự thay đổi công nghệ diễn ra hàng ngày. Đây là những thách thức không nhỏ đối với người học. Tuy nhiên, những số liệu của ngành chức năng, của các cơ sở đào tạo nghề cho thấy, nghề công nghệ ô tô có nhiều tiềm năng. Tỷ lệ học sinh ra trường, có việc làm hoặc tự tạo việc làm đối với nghề này đều rất tốt. Thậm chí, nhiều học sinh có thu nhập ngay khi đang trong thời gian thực tập.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô cho biết: Khoa Cơ khí động lực hiện nay đang giảng dạy 2 nghề: Nghề vận hành máy thi công nền và Nghề công nghệ ô tô. Đội ngũ giảng viên hiện nay đều đạt chuẩn theo quy định. Nghề Công nghệ ô tô là nghề trọng điểm khu vực ASEAN.
Từ năm 2017, nghề Công nghệ ô tô đã được đầu tư từ dự án AFD của chính phủ Pháp với nguồn kinh phí 1,5 triệu EURO. Dự án đã đầu tư về trang thiết bị dạy học nghề công nghệ ô tô: Xe ô tô; Mô hình; Thiết bị; Dụng cụ... và chương trình, học liệu đào tạo. Do đó, về cơ bản, các trang thiết bị phục vụ cho đào tạo hiện nay của nhà trường đã đáp ứng được yêu cầu về công nghệ và nhu cầu của doanh nghiệp.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã hợp tác với các doanh nghiệp như Hyundai Thành Công; Mitshu Ninh Bình… cùng tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, đào tạo, thực tập sản xuất và tiếp nhận học viên sau khi tốt nghiệp vào làm việc. Với những lợi thế đó, hàng năm, nghề Công nghệ ô tô là nghề học tuyển được nhiều học viên nhất ở Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô.
Ở thời điểm hiện tại, toàn khoa có trên 300 học viên. Được đánh giá là nghề hợp xu hướng, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc sau khi ra trường đạt từ 90% trở lên. Trong đó, có nhiều em mạnh dạn mở các garage ô tô, giải quyết việc là cho nhiều lao động, đảm bảo nguồn thu nhập tốt.
Sinh viên Khoa công nghệ ô tô Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô trong giờ thực hành.
Cũng như nghề công nghệ ô tô, ngành du lịch cũng là một trong những ngành, nghề có sức hút mạnh đối với các học viên. Đào Kim Oanh, xã Gia Viễn hiện là sinh viên năm thứ 2 nghề nấu ăn, Khoa Kinh tế Du lịch (Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình). Với đam mê, tâm huyết và kỹ năng nghề ngày càng được nâng cao, Kim Oanh mạnh dạn tham gia vào phiên giao dịch việc làm chuyên đề về xuất khẩu lao động. Kim Oanh dự định sẽ đi làm việc trong lĩnh vực ẩm thực ở Hàn Quốc vài năm trước khi trở về quê và mở một nhà hàng kinh doanh về ăn uống.
Kim Oanh cho biết: xã Gia Viễn cũng là một trong những địa phương phát triển mạnh về du lịch. Đặc biệt là du lịch tâm linh. Vì vậy, em luôn ấp ủ mở được một nhà hàng chay để phục vụ du khách mỗi khi về với vùng đất thiêng Gia Viễn. Bản thân em nhận thấy nghề nấu ăn là một nghề rất có tương lai vì phù hợp với xu hướng phát triển của địa phương. Vì vậy, tốt nghiệp THPT, em đã lựa chọn nghề nấu ăn để theo học. Học để biết nghề thì dễ, nhưng học để thành công và có một dấu ấn trong sự nghiệp thì em cần phải có tinh thần bền bỉ để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động làm việc trong các ngành cũng thay đổi. Những chỉ số của thị trường lao động cho thấy, nhu cầu sử dụng lao động trong các nhóm ngành dịch vụ, du lịch, điện tử, công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, ngành công nghiệp điện tử tăng nhanh. Ông Trần Công Quyền, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường Cao đẳng Cơ giới ninh Bình cho biết: Cũng như các cơ sở đào tạo nghề khác, nhà trường cũng đã cập nhật, hoàn thiện cơ sở vật chất, đội ngũ, đồng thời tập trung tuyển sinh và đào tạo nhóm ngành, nghề trọng điểm để kịp thời bổ sung lực lượng lao động có tay nghề cao cho thị trường lao động.
Trong đó, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình đã chủ động đón đầu xu hướng, đưa vào đào tạo ngành kỹ thuật chế biến món ăn với mục tiêu sẽ thu hút được nhiều người học, góp phần tạo ra nhân lực cho địa phương và xuất khẩu lao động. Mỗi năm, số lượng học viên theo học nghề kỹ thuật Chế biến món ăn tại trường khoảng 300 học sinh, sinh viên.
Ngay từ trong quá trình học, học sinh, sinh viên đã có thể tự tìm việc làm ở các nhà hàng ở gần trường với các công việc như: sơ chế, bày bàn, hoặc đảm nhiệm một công đoạn trong chế biến. Theo số liệu lần vết của Trung tâm Tuyển sinh, các em tốt nghiệp nghề Kỹ thuật Chế biến món ăn đều tìm được việc làm có thu nhập khá tốt, nhiều em đi xuất khẩu tại Nhật Bản làm tại các Nhà hàng của Nhật Bản.
Đầu tư, phát triển các ngành, nghề trọng điểm để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường lao động trong và ngoài nước, đó là xu thế tất yếu mà các cơ sở đào tạo nghề đã và đang nắm bắt. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, mở rộng cơ hội tìm việc làm với thu nhập cao cho lao động.
Kết quả cho thấy, chất lượng đào tạo, tay nghề của học sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Sinh viên ra trường tiệm cận gần nhất đến yêu cầu của thị trường lao động, do đó, dễ dàng tìm được việc làm với mức thu nhập tốt.
Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động. Phát huy những kết quả đã đạt được, Ngành Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất bổ sung các ngành, nghề trọng điểm cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.