Cam Văn Tâm năm nay 16 tuổi, là người dân tộc Thái, quê ở tỉnh Sơn La. Dáng người Tâm nhỏ thó, những hình xăm phủ gần kín cánh tay gầy guộc, mái tóc cắt cua … những hình ảnh "bụi bặm" của tay "anh chị" một thời ấy vẫn không thể che dấu được nét ngây thơ, thẳm buồn lẩn khuất tận sâu ánh mắt Tâm. Theo lời kể của các cán bộ của Trường Giáo dưỡng số 2 thì Cam Văn Tâm sinh ra trong một gia đình nghèo. Có lẽ, chính vì cái đói cái nghèo khiến Tâm trở thành tay trộm vặt có tiếng ở vùng. Cứ đói là Tâm trộm cái để ăn, khát trộm thức để uống, mãi rồi thành thói quen khó bỏ. Dần dần, những thứ mà Tâm trộm cắp cũng có giá trị lớn hơn để phục vụ nhu cầu của bản thân và a dua theo chúng bạn. Không thể giáo dục được ở địa phương, Tâm được đưa vào Trường Giáo dưỡng số 2. "Những ngày đầu vào trường thực sự là giai đoạn khó khăn cả với Tâm và thầy, cô giáo. Với lối sống tự do tới mức gần như hoang dại của cậu bé người dân tộc, thật vất vả để hướng dẫn Tâm vào những nền nếp mới trong sinh hoạt, học tập. Một thách thức lớn đối với chúng tôi, đó là Tâm không nói được tiếng Kinh. Vì vậy, việc dạy văn hóa hay trò chuyện với Tâm khó khăn hơn rất nhiều so với học sinh khác. Chúng tôi phải nhờ tới sự hỗ trợ ngôn ngữ của các em người dân tộc nhưng nói sõi tiếng Kinh để có thể trò chuyện với Tâm mỗi ngày. Dần dần, chúng tôi cũng học hỏi thêm ngôn ngữ bản địa của Tâm để có thể giao tiếp với em dễ dàng hơn, đồng thời tích cực dạy tiếng Kinh cho em. Những nét chữ đầu tiên nguệch ngoạc, những bài đọc đầu tiên phát âm còn ngọng ngiụ… nhiều lúc cậu bé nản chí muốn từ bỏ. Nhưng được sự động viên, dìu dắt của thầy cô, bản tính của Tâm trở nên dịu nhẹ. Tâm tuân thủ tốt nội quy của lớp học. Và đặc biệt, Tâm đã biết ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn"- cô giáo Trần Thị Kim Liên, chủ nhiệm lớp chia sẻ.
Trò chuyện với chúng tôi, Cam Văn Tâm khá rụt rè bởi vốn tiếng Kinh chưa nhiều, thỉnh thoảng Tâm "pha" thêm tiếng của đồng bào mình. Tâm bảo: "Mới đầu vào đây, cháu chỉ nghĩ đến việc làm sao để trốn khỏi nơi này. Cháu quen sống tự do rồi, việc phải tuân thủ nền nếp, nội quy của nhà trường thực sự rất khó khăn. Khi quen với nền nếp rồi thì đối với cháu đây lại là giai đoạn hạnh phúc nhất, đầm ấm nhất mặc dù cháu sống xa gia đình. Sự quan tâm, chu đáo của thầy cô, giúp cháu cháu dần tìm thấy sự lạc quan về cuộc sống. Cháu sẽ cố gắng học tốt văn hóa, học nghề để khi ra trường cháu có thể nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, tìm được công việc phù hợp để ổn định cuộc sống".
Tâm tư của Tâm có lẽ cũng là khát khao chung của 214 em học sinh đang được quản lý, giáo dục ở Trường Giáo dưỡng số 2. Những cô bé, cậu bé đang ở độ tuổi đẹp đẽ, nhiều ước mơ, nhưng đã phạm nhiều sai lầm, thậm chí nhiều hành vi vi phạm pháp luật đa dạng, phức tạp và nguy hiểm như: giết người, hiếp dâm, mua bán, sử dụng ma túy, ngược đãi cha mẹ… Mỗi em một hoàn cảnh, một sự đưa đẩy để sai lầm, song điểm chung của các em, đó là đa số đều xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi hoặc gia đình không hạnh phúc. Tỷ lệ học sinh có trình độ nhận thức thấp, thậm chí nhiều em mù chữ, các em là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 60% tổng số học sinh.
Thượng tá Trần Hữu Trung, Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 2 cho biết: Những năm qua, nhà trường không ngừng đầu tư, cải thiện các điều kiện ăn ở, học tập, sinh hoạt cho học sinh. Môi trường học tập của nhà trường được các đoàn công tác trong nước và quốc tế như: Tiểu ban nhân quyền châu Âu; Quỹ UNISEP, tổ chức PLAN tại Việt Nam… đến thăm đánh giá cao. Bên cạnh đó, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn vững vàng trên cương vị công tác, luôn phát huy bản lĩnh, phẩm chất của người chiến sỹ Công an nhân dân, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, gian khổ, làm việc và cống hiến hết mình với phương châm: "lấy học sinh làm trung tâm", công tác giáo dục học sinh ngày càng được đổi mới, đa dạng về hình thức, sâu sắc về nội dung, chú trọng giáo dục cho các em cả về văn hóa và đạo đức, lối sống. 100% học sinh vào trường được tham gia học văn hóa từ lớp 1 đến lớp 9. Việc dạy học cho các em là một nhiệm vụ khó khăn, bởi đây đều là những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, các em không cần học và không muốn học. Nhà trường xác định rõ, người thầy, người cô thực hiện nhiệm vụ ấy không chỉ đòi hỏi có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng mà còn phải có đủ sự bao dung của người cha, người mẹ và trang bị được những kỹ năng "mềm" để hiểu được học sinh hơn, từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp, từng bước đưa các em tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Cùng với dạy văn hóa, rèn luyện đạo đức, lối sống, trong nhiều năm qua, nhà trường phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và một số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tổ chức dạy nghề và truyền nghề cho các em học sinh, giúp các em trang bị thêm kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp, để thuận lợi hơn sau khi ra trường tái hòa nhập cộng đồng. Tỷ lệ học sinh được cấp chứng chỉ nghề chiếm 16,34% tổng số học sinh nhà trường quản lý.
Nhằm tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện, nhà trường tích cực tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ cho công tác giáo dục học sinh như văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức các buổi tư vấn, lắng nghe học sinh nói; tổ chức cho học sinh tham gia các chương trình "Hát cho nhau nghe", "Đuổi hình bắt chữ", chiếc nón kỳ diệu, thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… và đặc biệt là thi "Viết thư xin lỗi". Nhà trường cũng phối hợp với Trung tâm thanh thiếu niên tỉnh tổ chức các hoạt động vui chơi, ngoại khóa cho học sinh. Những năm gần đây nhà trường phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức nhiều chương trình hoạt động giáo dục cho các em như "Điều ước thứ 7", Đón Tết xum vầy cùng VTV3; đưa đội bóng đá U23 Việt Nam đến giao lưu với các em… qua đó tạo động lực, cảm hứng cho các em phấn đấu, rèn luyện. Năm vừa qua, tỷ lệ học sinh rèn luyện, phấn đấu tốt chiếm trên 80%.
Qua 51 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã tiếp nhận quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng hơn 21 nghìn học sinh, giúp các em làm lại cuộc đời trở về tái hòa nhập cộng đồng, sống có ích. Trong đó, có 80% học sinh được ra trường trước hạn. Với những nỗ lực đó, nhà trường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 1 đồng chí được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; 4 đồng chí được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú… Đặc biệt, năm 2018, nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhưng có lẽ, phần thưởng lớn nhất đối với các thế hệ thầy, cô giáo, đó chính là sự gửi gắm của nhiều gia đình là quyết tâm bỏ lại những sai lầm của tuổi trẻ ở phía sau để nỗ lực vượt lên xây dựng một cuộc sống tươi đẹp hơn của hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ ngỗ ngược năm nào.
Đào Hằng