Hơn 7 giờ sáng, xe thuốc chầm chậm tới các phòng bệnh. Trong không gian đầy thân hình đã gầy rộc, lỗ chỗ vết lở mưng mủ đang nằm dán mình xuống giường ấy, những lời thăm hỏi của bác sĩ như là tia nắng ban mai, xua tan đi sự hoang hoải, lạnh lẽo chết chóc.
Bác sĩ Ngô Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Khám bệnh ngoại trú, Trung tâm Phòng, chống AIDS đã gắn bó với công tác khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS đã hàng chục năm nay. Công việc thầy thuốc của Trung tâm gặp không ít khó khăn, nguy hiểm khi bệnh nhân của họ là những người mắc phải căn bệnh thế kỷ, những người nghiện ma túy, cũng có những người có tiền án, tiền sự. Đó là những con người đã bị đẩy đến cùng cực, đến cái lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Vậy mà, khi trò chuyện với chúng tôi về hơn chục năm gắn bó với Trung tâm, chị Lan không một lời kể về những vất vả, khó khăn của bản thân. Chị chỉ đau đáu cùng nỗi đau về thể xác, về tinh thần của người bệnh khi họ còn bị xã hội và chính gia đình mình kỳ thị.
Dẫn chúng tôi một vòng thăm các bệnh nhân, bác sĩ Lan nói, không phải ai mắc vào căn bệnh này cũng đều do lối sống buông thả, đáng trách. Cô bé N. là một ví dụ. Cô bé mới tròn 19 tuổi, xinh xắn, đôi mắt em trong veo, đượm buồn. Nhìn em, không ai tin nổi, em đã có hơn 2 năm chống chọi với căn bệnh thế kỷ.
N. chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Nhà N. ở tận Kim Sơn. N. sinh ra trong một gia đình có điều kiện. Từ nhỏ, em đã được gia đình chăm lo ăn học. N.là một người con ngoan, học khá. Bước vào năm lớp 10, N. đem lòng yêu một thanh niên cùng xã. Không ngờ mối tình đầu đời ấy đã đưa N. sang một lối rẽ khác. N. phát hiện mình bị lây nhiễm HIV từ người yêu sau một lần đi kiểm tra sức khỏe. "Cầm tờ xét nghiệm máu trên tay, em tưởng như đó chỉ là một cơn ác mộng. Em có học, có biết về căn bệnh này và không bao giờ nghĩ có ngày mình trở thành nạn nhân. Em bế tắc khi nghĩ đến tương lai chị ạ".
Rồi N. được mẹ đưa đến với Trung tâm. "Hơn chục năm gắn bó với bệnh nhân HIV/AIDS, tôi gặp gỡ nhiều người với nhiều hoàn cảnh thật éo le. Nhưng có lẽ, cô bé N. lại là người mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, nỗi niềm nhất. Từ một cô bé vô tư, trong sáng trở thành một người luôn sống trong nỗi lo sợ nơm nớp và nỗi mặc cảm, chản ghét chính bản thân. Làm thế nào để em lấy lại niềm tin với cuộc sống, để thêm yêu thương bản thân mình- đó chính là những điều mà đội ngũ y, bác sỹ ở đây trăn trở"- bác sĩ Lan chia sẻ.
Vậy là mỗi lần N. đến viện thăm khám, bác sĩ Lan đều dành thời gian để thăm hỏi, động viên, chia sẻ với em từng chuyện đời, chuyện học tập, chuyện buồn vui của chính bác sỹ trong cuộc sống. Qua những lần trò chuyện ấy, N.dần xóa đi mặc cảm của mình, bắt đầu lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Giờ đây, em là thành viên tích cực của câu lạc bộ "Những người có H" của huyện Kim Sơn.
Còn chị L. (hơn 40 tuổi) ở Hoa Lư, khi chị tìm đến với Trung tâm thì sức khỏe của chị đã suy kiệt, người gầy ốm, tinh thần hoang mang sau một thời gian dài tự mình vật lộn với căn bệnh AIDS. Là một viên chức Nhà nước, chị L.sống cần kiệm, hết lòng lo cho chồng, cho con. Chị không thể ngờ mình lại bị nhiễm HIV từ chồng. Ngày cầm kết quả xét nghiệm trên tay, chị như đã chết. Chị đau đớn không chỉ bởi bản thân mắc phải căn bệnh nan y, mà hơn thế chị thất vọng về người chồng mà chị đã dành hết thời gian để chăm sóc, yêu thương. Chị suy sụp, tuyệt vọng và tính nghỉ việc và buông xuôi mọi thứ.
Đúng lúc đó, chị nhớ đến Trung tâm. Được bác sĩ Lan ân cần động viên, kết hợp giữa điều trị bằng thuốc với những buổi trò chuyện thân tình, cởi mở. Bác sĩ Lan khuyên chị không nên bỏ việc, bởi nếu chỉ lủi thủi trong nhà với cảm giác tự ti, hờn trách sẽ khiến bệnh thêm nặng. "Bác sĩ Lan động viên tôi nhiều lắm. Chị cùng uống với tôi chung một chén nước… hành động của chị làm tôi thấy ấm lòng và nhận ra rằng căn bệnh đó đâu phải đã là dấu chấm hết cho cuộc đời tôi. Và tôi lại khao khát được sống, sống để làm chỗ dựa cho cậu con trai duy nhất đang tuổi đến trường. Vậy là tôi nghe lời bác sỹ, kiên trì uống thuốc đúng giờ, tuân thủ đúng phác đồ điều trị của Trung tâm.
Ngoài ra, tôi còn đọc, nghiên cứu những thông tin về căn bệnh này qua sách, báo… từ đó lựa chọn những thông tin có lợi cho việc điều trị bệnh của mình. Sức khỏe hiện tại của tôi đã được cải thiện nhiều. Không chỉ làm việc tốt, vui vẻ, cởi mở với mọi người mà tôi còn nuôi dạy cậu con trai duy nhất ăn học thành đạt"- chị L. hạnh phúc chia sẻ với chúng tôi.
Khi đến bệnh viện, bệnh nhân nào cũng mong muốn được điều trị để sống. Song đối với bệnh nhân HIV/AIDS còn có ngoại lệ. Trong tổng số gần 1000 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thì có đến gần 70% là những người từng có tiền án, tiền sự. Có những bệnh nhân thừa nhận, họ hung hăng, tỏ ra "nguy hiểm" chỉ để che dấu sự sợ hãi, mặc cảm của bản thân. Có những người sống lẻ loi, cô đơn trong gia đình mình bởi sự ghẻ lạnh, kỳ thị của chính người thân… Bởi vậy, mà nhiều bệnh nhân muốn kết thúc nhanh chóng cuộc sống của mình. Với những ý nghĩ tiêu cực đó mà họ không tuân thủ phác đồ điều trị, không uống thuốc đúng giờ, không thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ… dẫn đến hiệu quả điều trị không cao. Và đây là khó khăn lớn nhất của các y, bác sĩ trong việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hoàng Huy Phương cho biết, trước thực tế đó, khi tiếp nhận bệnh nhân, điều đầu tiên các y, bác sĩ ở trung tâm làm là chăm sóc về tinh thần cho họ. Người bệnh cần cảm nhận được sự chân thành, tình cảm của người thầy thuốc thì họ mới nỗ lực điều trị. ở trung tâm này, khoảng cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân dường như không tồn tại. ánh mắt thiện cảm, cái động chạm an toàn khi tiếp xúc với các vết thương đang mưng mủ… tất cả nói lên một điều: niềm khao khát được sống, niềm tin sẽ sống của các bệnh nhân trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Từ đó, họ tích cực hợp tác cùng bác sĩ trong việc điều trị bệnh. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Phòng, chống AIDS, trong tổng số 753 bệnh nhân, lấy ngẫu nhiên 468 bệnh nhân, qua quá trình điều trị tích cực từ năm 2005 đến nay, chỉ có 52 bệnh nhân tử vong.
Đào Hằng