Điều thú vị là trong 4.000 m2 này, diện tích chăn nuôi có khoảng 600 m2, còn lại là khu tiểu cảnh, khu chế biến thức ăn, sân chơi và bể tắm cho lợn có diện tích rộng 3.400 m2. Điều đó đồng nghĩa với việc tại đây lợn được nuôi theo một cách rất riêng, hàng ngày chúng được tập bơi và nghe nhạc khi đi ngủ. Từ đầu năm 2017, khu bể bơi nóng lạnh dành cho lợn bắt đầu được đưa vào sử dụng. Các công nhân phụ trách chăn nuôi tiến hành một công việc khá mới mẻ là hướng dẫn cho lợn nhảy cầu tập bơi. Việc làm tưởng chừng cầu kỳ và hơi "thừa thãi" này thực ra lại có ý nghĩa rất quan trọng. Anh Vũ Anh Ngọc làm việc tại đây cho biết: Việc bơi lội giúp đàn lợn khỏe mạnh hơn, cải thiện hệ thống miễn dịch và đặc biệt có thể giúp chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon... Hiện nay, mỗi ngày 2 lần vào lúc 9h sáng và 15h chiều, đàn lợn được cho ra bơi lội (trừ lợn sắp đẻ và lợn con dưới 2 tháng tuổi). Hoạt động này được duy trì đều đặn hơn 2 năm nay, khiến đàn lợn từ trạng thái sợ sệt, nhốn nháo khi mới được chạm nước đã dần trở nên thích thú, chịu khó tuân thủ hướng dẫn của kỹ thuật viên. Khi đến giờ bơi, đàn lợn được chia thành từng tốp theo lối đi riêng dẫn từ chuồng ra. Theo thứ tự, đàn lợn lần lượt nhảy xuống hồ bơi từ độ cao hơn 2m, bơi một vòng rồi lên đường đi bộ quay trở lại chuồng. Thậm chí, vào mùa đông giá rét hoạt động này cũng không bị gián đoạn khi bể bơi được bơm thêm nước ấm, tuy nhiên số lần bơi giảm còn 1 lần vào lúc 10h sáng để đảm bảo sức khỏe cho đàn lợn.
Chưa hết thú vị, khu chăn nuôi này còn gây bất ngờ với việc trang bị hệ thống đèn sưởi ấm và loa để tập cho lợn nghe nhạc lúc đi ngủ. Loa được gắn phía trên chuồng, phát ra những bản nhạc được điều chỉnh lúc sôi động, lúc nhẹ nhàng theo giờ ăn, giờ ngủ của lợn. Chưa biết việc làm này sẽ tác động tới mức nào đến sự phát triển của đàn lợn nhưng rõ ràng nó đã tạo nên sự hoạt náo khác thường mỗi ngày tại đây, đem lại sự thú vị cho người lao động cũng như người đến tham quan.
Ngoài cách chăm sóc cầu kỳ và tốn kém đó, mỗi con lợn còn được gắn mã số riêng ở tai để tiện cho việc theo dõi, chăm sóc. Nhưng quan trọng hơn cả là ở đây nguồn thức ăn cho đàn lợn chủ yếu từ cám ngô, cám gạo và các loại rau củ quả được trồng tại nhà máy, tuyệt đối không sử dụng thức ăn có chất tăng trọng để đảm bảo chất lượng thực phẩm thơm ngon, không dịch bệnh. Hiện nay đàn lợn của Nhà máy có khoảng hơn 300 con (so với chỉ chưa đầy 100 con lúc mới bắt đầu triển khai mô hình), đa số là các giống lợn móng cái, lợn rừng, lợn cỏ được đưa về từ Thái Nguyên để nuôi và gây giống. Chúng được ở trong hệ thống chuồng trại vuông vắn, sạch sẽ, thoáng mát…
Với sự đầu tư bài bản đó, sản phẩm từ khu chăn nuôi này đang góp phần cải thiện bữa cơm ca của hơn 1.000 công nhân lao động tại Nhà máy CFG với chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bài, ảnh: Đào Duy