Đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng Lão nông Nguyễn Văn Minh, xóm 10B, Khánh Nhạc (Yên Khánh) giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, từ cái thủa "con trâu đi trước, cái cày theo sau" giờ ông không ngờ là công việc đồng áng lại nhàn đến vậy. Với máy cày, máy gieo sạ, máy gặt đập liên hợp, "sức máy" giờ đã thay "sức người" để việc sản xuất nông nghiệp trên diện tích gần 2 mẫu ruộng của gia đình được hoàn thành nhanh, gọn.
Ông chia sẻ: 2 mẫu ruộng giờ dồn cả vào một khu, tham gia cánh đồng lớn, cấy cùng một thời điểm, cùng một giống, thu hoạch cùng một lúc. Sâu bệnh, chuột hại không còn phải lăn tăn phun thuốc gì, phun lúc nào như trước nữa vì đã có tổ BVTV dự tính, dự báo và hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy mà năng suất lúa của gia đình chẳng vụ nào kém vụ nào, cứ đều đều 2,3-2,5 tạ/sào.
Ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh cho biết: "Để ứng dụng mạnh mẽ KHKT vào sản xuất, đẩy nhanh cơ giới hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn thì việc tăng quy mô sản xuất là cần thiết, là quy luật tất yếu. Do vậy, thời gian qua Yên Khánh đã tập trung cho công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) cũng như triển khai rộng rãi mô hình cánh đồng mẫu lớn".
Đến nay, 16/19 xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành công tác DĐĐT, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa, diện tích cánh đồng mẫu lớn đạt 1.700 ha/vụ. 100% diện tích lúa đã làm đất bằng máy, trên 40% diện tích gieo sạ và 60% diện tích được thu hoạch bằng máy.
Nhờ tăng quy mô sản xuất mà giá thành sản xuất lúa đã giảm từ 2,7-3 triệu đồng/ha (chủ yếu giảm ở khâu gieo cấy khi gieo vãi, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch), thu nhập cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 4,6 - 5,5 triệu đồng/ha. Không chỉ dừng lại ở đó, việc tăng quy mô sản xuất, đưa cơ giới hóa vào còn giúp rút ngắn thời gian sản xuất, nhờ vậy quỹ đất dành cho cây vụ đông ở Yên Khánh luôn được đảm bảo, duy trì ở mức 3.000 ha trở lên. Thu nhập từ cây vụ đông trung bình đạt từ 45 - 50 triệu đồng/ha.
Từ hiệu quả kinh tế mà vụ đông mang lại, người dân đã tin tưởng và hăng say sản xuất, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính của địa phương.
Từng bước thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp cũng đã và đang là thành công của huyện Yên Khánh. Nhiều mặt hàng nông sản của huyện đã được các doanh nghiệp biết đến và tham gia bao tiêu như: cà chua bi, dưa chuột bao tử, ngô ngọt, ớt... Dự án sản xuất giống lúa chất lượng cao - điển hình cho mô hình liên kết "4 nhà" được triển khai từ năm 2010, với quy mô ban đầu chỉ 100 ha/vụ, đến nay đã mở rộng lên trên 400 ha/năm, chủ yếu bằng các giống QR1, QR2, QR3, DQ 11, Thơm RVT, LT2.
Đã có 3 doanh nghiệp tổ chức ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa giống chất lượng cao là Công ty VTNN Hồng Quang, Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình, Công ty Giống cây trồng Trung ương. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác tăng và ổn định hơn so với sản xuất lúa thương phẩm là những lợi ích thiết thực mà dự án mang lại. Bên cạnh đó, dự án là tiền đề để đưa các thành tựu, các sản phẩm nghiên cứu khoa học vào sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và thiết thực. Tạo mô hình cơ chế liên kết thực sự có hiệu quả trong sản xuất giữa nhà nước - nhà khoa học - nông dân và doanh nghiệp.
Nhà nông làm giàu
Ở xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, mô hình sản xuất nông nghiệp 3 trong 1 đang được người dân nơi đây áp dụng một cách hiệu quả. Đây là phương thức kết hợp hình thức canh tác nông nghiệp khác nhau trên cùng một khu đất: dưới rãnh nuôi cá trạch, ốc, cấy lúa; trên mặt luống trồng rau màu; trên nữa thì bắc giàn trồng các cây dây leo như bí xanh, mướp, dưa chuột, mướp đắng, lặc lầy...
Sản xuất theo mô hình này, 5 năm trở lại đây, mỗi năm, hàng chục hộ dân xóm 13 có thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Ông Phạm Văn Lại, ở xóm 13, cho biết: "Làm ăn bài bản, tham gia tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nên mỗi năm gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng chỉ với 1 mẫu ruộng".
Chuyện nhà nông làm giàu ở xã Khánh Thủy những năm gần đây cũng không còn là những câu chuyện xa lạ. Chúng tôi được đồng chí Trương Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thủy đưa xuống gặp những triệu phú nông dân từ đồng ruộng. Anh Sơn phấn khởi cho biết: Hiện nay toàn xã có khoảng 45 mô hình trang trại, gia trại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó còn có mô hình lúa-cá ở xóm 2, mô hình trồng cây trạch tả với diện tích trên 50 ha. Vụ 3 trên đất 2 vụ lúa cũng được phủ kín bởi cây ngô, cà chua, su hào, cải bắp… Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29,6 triệu đồng/năm.
Nhân vật nhà nông làm giàu mà chúng tôi được gặp là ông Phạm Văn Miễn, xóm 6 với mô hình nuôi lợn công nghệ cao. Gọi là công nghệ cao bởi vì nuôi lợn nhưng công việc hàng ngày của ông Miễn không phải lăn lộn trong chuồng trại mà là ngồi trước máy tính, chỉ cần một cú click chuột là ông biết được lý lịch từng con, ngày giờ sinh, số lần tiêm phòng, khi nào đẻ hoặc cần thụ tinh... Ông Miễn cho biết: "Trước đây gia đình cũng chỉ làm ruộng, nuôi mấy con lợn rồi tích cóp, phát triển dần dần.
Mấy năm gần đây được chính quyền tạo điều kiện về chính sách, đất đai, được tập huấn chuyển giao KHKT tôi mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất lên 250 lợn nái, 12 lợn đực và 500-600 lợn thịt. Doanh thu mỗi năm trên dưới 5 tỷ đồng".
Xây dựng chiến lược lâu dài
Chỉ sau 5 năm, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác của huyện Yên Khánh đã tăng 40 triệu đồng (từ 85 triệu đồng/ha năm 2010 lên 125 triệu đồng/ha năm 2015). Tổng giá trị sản xuất vụ đông hàng năm đạt từ 170 - 180 tỷ đồng. Diện tích lúa chất lượng cao hàng năm duy trì trên 70% diện tích. Sản lượng lương thực có hạt hàng năm ước đạt trên 97 nghìn tấn.
Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 ước đạt 417 tỷ đồng, tăng trên 35 tỷ đồng so với năm 2010. Đến hết năm 2014, toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2015 có thêm 3 xã nông thôn mới (vượt 5 xã so với mục tiêu), dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng NTM… Đó là những thành quả đáng ghi nhận của nông nghiệp Yên Khánh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được thì việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn không ít bất cập.
Sự ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến thất thường trên cây trồng, vật nuôi; tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh làm cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày một giảm… là những "rào cản" không nhỏ ảnh hưởng tới việc tăng năng suất, giá trị trên cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống cho người nông dân.
Để tiếp tục phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, thời gian tới huyện Yên Khánh tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành đảm bảo phù hợp thực tế, phát huy tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và phát triển bền vững. Duy trì và mở rộng diện tích lúa chất lượng cao. Từng bước hoàn chỉnh tiêu chí xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo hướng GAP, xác định bộ giống lúa xuất khẩu trong từng cánh đồng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đồng bộ, theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường trong tỉnh và khu vực lân cận. Tiếp tục có chính sách tác động phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, chăn nuôi lợn ngoại.
Hiện nay, huyện cũng đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này; đẩy mạnh vận động thu hút đầu tư công, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời đổi mới cơ chế, thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho nông dân và các đối tác kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hà Phương