Phong trào thi đua đã góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình, mục tiêu giảm nghèo của thị xã, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn, góp phần xóa hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ khá, giàu trên toàn địa bàn. Qua 5 năm thực hiện phong trào, toàn Hội đã có 5.324 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều hộ đã thực sự trở thành những điển hình tiêu biểu về xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để các hội viên học tập làm theo…
Vượt qua con đường sình lầy bùn đất do đang trong quá trình thi công đoạn từ phường Bắc Sơn đến xã Yên Sơn, chúng tôi ai cũng thấy sảng khoái và nhẹ nhõm khi đặt chân đến vùng đất của các trang trại với đa dạng các loại hình kinh tế. Trong đó, theo sự giới thiệu của đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sơn, riêng Hội nông dân đã có 108 trang trại vừa và nhỏ với thu nhập từ 40 triệu đồng trở lên. Vào thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Cận, được giới thiệu là trang trại "trẻ" vì tuổi đời của chủ trang trại và "thâm niên" của trang trại mới bắt đầu được 2- 3 năm nay, chúng tôi hết sức bất ngờ vì quy mô của trang trại. Đây là trang trại sản xuất, chăn nuôi tổng hợp với hơn 2.000 m2 đất vườn, 6.700 m2 ao và khu chuồng chăn nuôi lợn khoa học, sạch sẽ. Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trang trại nhỏ của gia đình, chị Đoàn Thị Thơm (vợ anh Cận) cho biết: Nhiều năm trước gia đình chị cũng thuộc diện hộ nghèo của thôn, của xã. Nhưng khó khăn và nghèo đói không làm đôi vợ chồng trẻ nản chí và lùi bước. Cùng tham gia sinh hoạt tại Chi hội nông dân thôn Khánh Ninh, hai vợ chồng chị Thơm rất chịu khó tham dự các buổi sinh hoạt, các lớp tập huấn chuyển giao KHKT để tìm hiểu, nắm bắt kiến thức KHKT, các mô hình phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, anh Nguyễn Văn Cận, chồng chị còn lặn lội tìm đến các xã lân cận có điều kiện khí hậu, đất đai như Yên Sơn để học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế trang trại. Khi kiến thức đã nắm bắt đầy đủ, hai vợ chồng quyết định vay vốn ngân hàng để xây dựng trang trại với quy mô như hiện nay. Diện tích ao, anh chị chuyên nuôi cá giống cung cấp cho bà con trong vùng và các xã lân cận. Diện tích vườn đồi, anh chị trồng dứa xen na và một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Với 8 ô chuồng chăn nuôi, gia đình anh chị luôn duy trì đàn lợn với số lượng 80 - 90 con. Với các vụ sản xuất, chăn nuôi cho thu hoạch luân phiên trong năm, gia đình anh Cận có thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi khoảng 40 triệu đồng.
Theo đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân thị xã, mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Cận, chị Thơm là một trong hàng nghìn cách làm, cách hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của hội viên, nông dân toàn thị xã. Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, các cấp Hội nông dân thị xã đã quan tâm làm tốt công tác chuyển giao KHKT, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, mô hình đến tận các chi, tổ hội, tại đầu bờ để giúp hội viên nắm bắt rõ cách làm hiệu quả của từng mô hình sản xuất để áp dụng và nhân rộng tại địa phương. Hội nông dân các xã, phường đã phối hợp với các HTX nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu… theo phương thức chậm trả cho nông dân. Trong 5 năm qua, các cấp Hội nông dân thị xã thành lập được 267 tổ tiết kiệm vay vốn, đã vay trên 17 tỷ đồng cho 7.590 lượt hộ vay, xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân và quỹ hội với số tiền là 313,2 triệu đồng… Từ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp Hội, nhiều hộ nông dân đã nỗ lực lao động sản xuất, triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế. Trong đó, mô hình kinh tế trang trại đã từng bước khẳng định tiềm năng và thế mạnh của vùng đất khi được người nông dân bỏ sức lao động chăm sóc, khai thác. Không chỉ lo làm giàu cho gia đình và bản thân, đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, các hộ nông dân khá, giàu đã quan tâm giúp đỡ các hộ nghèo về kỹ thuật canh tác, về phương thức quản lý kinh doanh, trao đổi, hướng dẫn kinh nghiệm thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm… Từ năm 2003 đến 2007, có 524 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nhận giúp đỡ 159 hộ nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo. Kết quả từ phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã có nhiều hộ gia đình nông dân có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm trở lên. Nhiều hộ đạt mức thu nhập cao từ 100 - 200 triệu đồng, tạo việc làm cho lao động địa phương từ mô hình kinh tế của gia đình. Kết quả đó đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn, giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới khang trang, giàu đẹp.
Bài, ảnh: Bùi Diệu