Có mặt tại vườn bưởi Diễn của gia đình ông Ngô Văn Học (thôn 10, Phú Long, Nho Quan), sau thời gian xử lý, chăm sóc, giờ đây những quả bưởi Diễn đón Tết đã đạt trọng lượng 0,8-1,2 kg/quả và chuyển màu vàng tươi. Ông Học cho biết: "Để có được những trái bưởi to, đẹp, vàng óng, không bị sâu, nám thì ngay sau khi thu hoạch quả của năm trước, gia đình phải bắt tay vào tỉa cành, rồi tập trung bón phân để cây có đủ sức ra hoa và đậu nhiều quả. Thời gian sau đó lại tiếp tục bón thúc để quả to, đẹp. Công đoạn cuối cùng là phải bảo vệ thật tốt để quả bưởi không bị ruồi vàng và các loại sâu bệnh khác tấn công". Được biết, với 100 gốc bưởi Diễn, mỗi năm ông Học thu hoạch khoảng 6-7 nghìn quả bưởi. Tuy nhiên năm nay, lượng bưởi cho thu hoạch đúng dịp Tết không nhiều như mọi năm. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều vườn bưởi trong vùng. Nguyên nhân là do năm nay là năm nhuận cùng với thời tiết thay đổi nên bưởi ra quả sớm và chín sớm hơn mọi năm. Cũng như gia đình ông Học, những tháng cuối năm trang trại chuối tiêu hồng của gia đình ông Trần Minh Sơn lại thu hút rất đông lao động thời vụ đến làm việc, chủ yếu chống cây; buộc, bao buồng cũng như tưới nước cho vườn chuối. Ông Sơn chia sẻ: Chuối là một loại quả không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết về, do vậy có những năm "cháy" hàng, giá một nải chuối có thể cao gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Tuy nhiên để có những nải chuối đạt tiêu chuẩn, quả đều, to, đẹp thì việc chăm sóc cũng phải kỳ công hơn, tất cả các buồng chuối phải được bao phủ bằng nilon để tránh bị nám quả. Đồng thời cũng phải "can thiệp" để làm sao số quả trên nải chuối phải là số lẻ, có như vậy chuối mới dễ bán và được giá. Do xử lý tốt và tính toán thời điểm trồng hợp lý nên vụ Tết này khả năng trang trại của ông Sơn sẽ cung ứng ra thị trường hàng nghìn buồng chuối đạt tiêu chuẩn.
Tết cũng là dịp để nhiều loại món ăn đặc sản được người tiêu dùng lựa chọn bất chấp giá cao ngất ngưởng. Nắm bắt được tâm lý đó, năm nay anh Hoàng Văn Điền - chủ một trang trại ở thôn Hồng Phong, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô đã tìm tòi, lặn lội mua giống gà 9 cựa từ Phú Thọ về để nuôi và cung ứng ra thị trường. Anh Điền cho biết: Đặc điểm của giống gà 9 cựa giống thuần chủng này là có vóc dáng nhỏ, đuôi cong vút như cầu vồng. Chân to, khỏe, linh hoạt và mọc ở mỗi bên từ 3-5 cựa nối theo hàng. Cựa sừng trên cùng thì cong như lưỡi liềm. Tương truyền gà 9 cựa là của ngon vật lạ cúng tiến vua chúa ngày xưa nên nhiều người thường chọn làm đồ cúng tế nên giá bán tới tiền triệu, thậm chí cả chục triệu một con. Hiện gia đình đã chuẩn bị được vài chục đôi gà sẵn sàng phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán ất Mùi này.
Để phục vụ cho thị trường rau xanh dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngay từ tháng 10 âm lịch, nông dân các vùng trồng rau truyền thống như Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình) hay thị trấn Yên Ninh, Khánh Hồng, Khánh Mậu (huyện Yên Khánh) cũng đã bắt đầu xuống giống, cải tạo đất trồng rau màu. Phần lớn diện tích rau màu được nông dân trồng thời điểm này là súp lơ, cà rốt, hành, su hào, bắp cải... Còn hiện tại, nông dân trồng hoa ở các địa phương trong tỉnh như Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình); Đông Sơn (thị xã Tam Điệp)… cũng đang tất bật trồng, chăm sóc các loại hoa phục vụ tiêu dùng dịp Tết, góp phần làm cho thị trường cuối năm thêm phần náo nhiệt.
Có thể thấy, những năm qua, vụ Tết trở nên khá hấp dẫn đối với nông dân. Tuy nhiên, theo nhiều người có kinh nghiệm thì dù nhu cầu nông sản cho thị trường Tết rất lớn nhưng việc trồng, chăm sóc, xử lý cây trồng cho thu hoạch đúng dịp Tết là chuyện không đơn giản, nó phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật chăm sóc, diễn biến của thời tiết, khí hậu. Nếu thuận lợi, người nông dân có thể thu về hàng chục, hàng trăm triệu đồng bán nông sản Tết.
Bài, ảnh: Hà Phương