Dạo quanh một vòng tại các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Ninh Bình, nhất là đầu giờ sáng và cuối buổi chiều khi học sinh tan học, nhận thấy, các quán hàng vặt tại cổng trường luôn thu hút đông học sinh nhỏ tuổi tự mua hoặc đòi cha mẹ mua cho những mặt hàng nhìn lạ, bắt mắt. Có rất nhiều loại đồ ăn được bày bán tại đây như kẹo hồ lô, bim bim cay, xúc xích, gà xé tẩm cay, khô bò, tăm cay, kẹo hổ, thạch nước, thạch cây, nước trái cây… với giá từ 1-5 nghìn đồng/gói. Tất cả các mặt hàng này đều không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác theo quy định. Nhìn bằng mắt thường nhận thấy, những loại thức ăn, đồ uống này có đặc điểm chung là hình thức màu mè, bắt mắt, trọng lượng nhỏ, gọn, được đóng trong các lọ, túi xinh xắn, các chữ in trên bao bì bằng tiếng Trung Quốc, Thái Lan... Ngoài sự bắt mắt, lạ lẫm về hình thức, điều khiến các em học sinh thích thú với các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc này là giá thành siêu rẻ, chỉ từ 1 đến vài nghìn đồng là có thể mua được. Nhiều em tự mua ăn và chia sẻ với bạn bè, thưởng thức như món ăn khoái khẩu.
Điều đáng quan ngại là nhiều bậc phụ huynh đã vô tình tiếp tay cho con mình, khi mỗi ngày cho con vài nghìn tiền lẻ để mua những loại thức ăn này. Chị Lê Thị Bích Thủy, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) thanh minh, biết là không an toàn, nhưng bọn trẻ cứ mè nheo, bảo bạn này bạn kia cho ăn rồi, có bị đau bụng gì đâu, đành mua cho xong. Chính sự không dứt khoát, không nghiêm khắc, nuông chiều con của một bộ phận phụ huynh vô hình chung tạo hiệu ứng chấp nhận sống chung với thực phẩm "bẩn", thậm chí hình thành thói quen ăn uống mất vệ sinh, dễ dãi cho chính con, em mình.
Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp phát hiện các vụ việc liên quan đến thực phẩm "bẩn", thực phẩm không rõ nguồn gốc bị các cơ quan chức năng phanh phui. Từ đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí có loại chứa các chất gây bệnh đầu độc người tiêu dùng, thậm chí có thể tử vong...
Để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm tại các hàng quán ngoài cổng trường không đảm bảo an toàn, một số trường học đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền người bán hàng và học sinh, phụ huynh không buôn bán, tiêu thụ các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cùng với đó, các trường học còn thực hiện đóng cổng trường giờ ra chơi, không cho học sinh ra ngoài mua quà vặt, thực hiện tuyên truyền về kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh... Tuy nhiên, các giải pháp này chưa thực sự hiệu quả và không bền vững, các hàng quán bên ngoài cổng trường hiện nay vẫn còn khá nhiều.
Theo bác sỹ Lê Hữu Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thì, cổng trường là khu vực bị cấm kinh doanh thức ăn. Các quán hàng, cơ sở thức ăn đường phố thực tế chỉ bán chui. Qua kiểm tra đánh giá, hầu hết các loại đồ ăn, thức uống được bày bán quanh cổng trường đều không đảm bảo vệ sinh ATTP. Đa số các loại thức ăn này được chế biến từ nguyên liệu có nguồn gốc không rõ ràng; người chế biến không có kiến thức về vệ sinh, ATTP; các điều kiện vệ sinh tại nơi bán hàng và vệ sinh cá nhân hầu như không đảm bảo...
Việc quản lý các hàng quán, cơ sở bán thức ăn đường phố thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền các xã, phường, thị trấn. Mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp với các trường học để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh này, có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, nhưng sau các đợt kiểm tra, ra quân, tình trạng lại tái diễn, nhiều người bán hàng bất chấp, vì lợi nhuận tiếp tục bán thực phẩm "bẩn" cho học sinh. Tình trạng này sẽ còn tiếp tục tái diễn nếu việc xử lý hàng rong chỉ trông chờ vào tính tự giác của học sinh, phụ huynh và nhà trường mà không có sự kiểm soát, giải quyết triệt để của các cơ quan chức năng.
Cùng với đó, các bậc phụ huynh nên tạo cho con, em mình thói quen cảnh giác với các loại thực phẩm "bẩn", bằng cách trang bị cho các em kỹ năng, khi mua bất cứ sản phẩm nào cũng phải xem xét kỹ lưỡng về nhãn mác, được cơ quan chức năng công bố, còn hạn sử dụng, bao bì không rách nát, có tên nhà sản xuất, thành phần sản phẩm cụ thể...
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh