Tại các chợ truyền thống, phần lớn người buôn bán thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như: Rau xanh, thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản đều không quan tâm tới và không biết tới Luật ATTP. Còn tại các chợ tạm, chợ cóc, dù hàng ngày cung cấp hàng tấn thực phẩm tươi sống hoặc đã chế biến cho người dân nhưng khái niệm "ATTP" chỉ đơn giản là không để khách hàng bị ngộ độc. Chính vì vậy mà tại các chợ, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan. Có mặt tại khu chợ ở phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình), khu chợ này chỉ họp vào buổi chiều các ngày. Tuy nhiên, số lượng người bán và mua rất đông với đủ loại hàng hóa thực phẩm tươi sống phục vụ bữa ăn gia đình như rau, củ, hoa quả, thịt, cá, tôm… Tại khu bán thịt lợn, nhiều quầy thịt được bày trên các bàn gỗ đã cáu đen vì bụi bẩn và mỡ bám lâu ngày. Tuy nhiên sản phẩm chỉ cần nói là lợn sạch, mới giết mổ, "chỗ quen"…ngần ấy thông tin của người bán hàng là đã khiến người mua phần nào yên tâm sử dụng. Nhiều quầy hàng còn bày thực phẩm sống cùng với thực phẩm chín như: giò, chả, mọc…
Cũng như sản phẩm thịt lợn, các thực phẩm tươi sống khác như: tôm, cá, gia cầm…đều được bày bán trong điều kiện nhếch nhác, bẩn thỉu. Để tiện cho người tiêu dùng, những người bán hàng đều nhận sơ chế thực phẩm luôn tại chợ. Chị Hoa, một người bán gia cầm tại chợ cho biết: Giết mổ gia cầm tại chợ thì tất nhiên chúng tôi không thể có điều kiện sạch sẽ như ở nhà. Nhưng nếu bây giờ không làm thì hầu như gà, vịt không ai mua vì khách hàng bây giờ "ngại" làm những công đoạn đó. Chính tâm lý "ngại" của khách hàng khi mua thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống đã vô tình nhiễm bẩn cho thực phẩm của mình cũng như ô nhiễm môi trường khu vực chợ, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Bên cạnh việc mất vệ sinh trong điều kiện bảo quản thực phẩm tại các chợ truyền thống thì một vấn đề đáng báo động đó là mức độ an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy hầu như các loại thực phẩm ở các chợ truyền thống đều không có cơ quan nào kiểm tra, giám định về chất lượng, độ an toàn cũng như dư lượng chất cấm sử dụng trong chăn nuôi như các cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo.
Không chỉ đối với thực phẩm tươi sống, các loại thực phẩm khô cũng đang báo động về tình trạng vi phạm ATVSTP. Chúng tôi có mặt tại chợ Rồng (thành phố Ninh Bình), nhiều mặt hàng như: Bánh kẹo, nấm, măng khô, gia vị… chỉ được đóng trong các bao tải, không nhãn mác. Qua tìm hiểu được biết, phần lớn những thực phẩm này được nhập từ Trung Quốc dưới dạng đóng thùng carton hoặc bao tải nên không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng… Đặc biệt, một trong những mặt hàng Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường là các loại bánh kẹo giá bình dân, siêu rẻ, không nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó, nhiều nhất là sôcôla, kẹo viên vitamin, kẹo dẻo màu sắc sặc sỡ đựng trong những thanh kiếm, đao, hộp quẹt gas… bằng nhựa, trẻ em sau khi ăn có thể sử dụng làm đồ chơi.
Việc thực phẩm "bẩn", thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn không phải người tiêu dùng thờ ơ nhưng thực sự họ chưa biết phải làm sao chọn cho mình sản phẩm sạch và thích hợp. Chị Nguyễn Thị Hương (thành phố Ninh Bình) cho biết: Mỗi lần đi chợ tôi thực sự băn khoăn khi phải chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Tìm đâu ra thực phẩm sạch khi tất cả thực phẩm bày bán ở chợ đều không qua kiểm duyệt. Các sản phẩm ở siêu thị mặc dù có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng giá cao, không phù hợp với túi tiền người tiêu dùng bình dân như chúng tôi. Hơn nữa, tôi cũng không thích dùng thực phẩm đông lạnh.
Hiện tại các thực phẩm công nghệ như giò, chả, nem được bày bán rất nhiều ở các chợ truyền thống. Đây là sản phẩm có nguy cơ cao về sử dụng các chất cấm trong chế biến thực phẩm nhưng dường như đang bị bỏ ngỏ, không có sự kiểm soát và chứng nhận về chất lượng của các cơ quan chức năng. Người dân theo thói quen "cứ nhắm mắt" để tiêu dùng. Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP đã kiểm tra cửa hàng Lan Luyến, địa chỉ: 167 đường Vân Giang, phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình. Đây là cơ sở sản xuất giò, chả có tiếng ở thành phố Ninh Bình, cung cấp hàng hóa cho nhiều đầu mối bán hàng tại chợ. Qua kiểm tra đã phát hiện cửa hàng đang kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, gồm 20 kg hạt sen, 38 kg giò chả, 500 kg bánh đa, 300 kg nấm hương, 56 kg hạt hướng dương. Đoàn đã xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 10 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên đúng quy định, giá trị hàng hóa tiêu hủy là 26.420.000 đồng.
Luật VSATTP đã có nhưng để người dân có ý thức tự giác thực hiện Luật thì cần có một thời gian dài. Trước mắt người tiêu dùng cần tự bảo vệ gia đình mình tránh khỏi mối nguy hại về mất ATVSTP bằng cách tẩy chay các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thông báo với cơ quan chức năng khi thấy các hành vi buôn bán hoặc sản xuất các thực phẩm không an toàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần khuyến cáo cho người dân phân biệt thế nào là thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn. Đồng thời các địa phương, các ngành cần phối hợp để tuyên truyền, phổ biến cho người dân nuôi trồng các loại thực phẩm an toàn theo đúng quy trình, kỹ thuật.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm