Theo tính toán, mỗi con tàu vỏ thép đóng mới có trị giá trên dưới 18 tỷ đồng, như vậy bình quân cứ 3 tháng, mỗi chủ tàu phải trả tiền gốc và lãi suất hơn 300 triệu đồng. Nếu chủ tàu không trả nợ đúng hạn thì sẽ chuyển sang nợ "khó đòi", "nợ xấu". Lúc đó, chủ tàu không còn được hưởng lãi suất ưu đãi 1% của Nghị định 67 mà phải chịu 7% lãi suất thương mại, khoản nợ tiếp tục tăng lên. Đây chính là áp lực lớn khiến các chủ tàu không đủ khả năng trả nợ dẫn đến phá sản.
Ông Trần Văn Chiến, chủ tàu cá NB-90016-TS tỏ ra bức xúc: Số tiền bình quân phải trả mỗi tháng quá lớn, lúc tàu đánh bắt được còn đỡ, nhưng nếu gặp phải tháng biển động hoặc đánh bắt không được thì khó khăn vô cùng, phải vay nóng số tiền không nhỏ để trả lãi ngân hàng, lo phí tổn ra khơi… Đã nợ càng thêm nợ.
Đúng ra chính sách cần có hành lang pháp lý cho ngân hàng thương mại xem xét rủi ro khách quan để cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ khi ngư dân gặp rủi ro bất khả kháng như thời tiết xấu, giá thủy sản thấp, dịch bệnh... để chúng tôi có thể tái sản xuất. Ngoài lãi suất thì bảo hiểm cũng là một vấn đề bất cập. Các ngư dân cho biết, nghề biển là nghề có nhiều rủi ro, những năm đầu, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân vỏ chủ tàu còn an tâm.
Nhưng từ năm 2019 đến nay, không những không được hỗ trợ mà Công ty bảo hiểm còn từ chối bán bảo hiểm cho tàu cá với lý do Quy định về quy tắc bảo hiểm thay đổi mà thực chất là lo sợ rủi ro. Ngặt một nỗi, tàu không có bảo hiểm thì phía ngân hàng cho vay lại không cho tàu ra khơi. Tàu không đi biển được, ngư dân càng không có tiền trả nợ.
Ông Đào Khánh Toàn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Kim Sơn cho biết: Khi chủ tàu gặp khó khăn, đơn vị đã cơ cấu lại nợ cho khách hàng. Tuy nhiên, khả năng trả nợ tiếp theo của chủ tàu cũng chưa có gì để bảo đảm. Ngân hàng kiến nghị với Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục có những chính sách để hỗ trợ về bảo hiểm, trợ giá xăng dầu, hỗ trợ tiền duy tu, sửa chữa tàu để tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân tiếp tục ra khơi, từ đó có điều kiện trả nợ ngân hàng như hợp đồng tín dụng đã ký.
Câu chuyện khó khăn của tàu cá 67 không chỉ diễn ra ở Ninh Bình mà là khắp cả nước. Được biết, để khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các chính sách mới về phát triển thủy sản, trình Chính phủ. Trong đó, sẽ đặc biệt quan tâm về quy định cơ cấu lại nợ.
Theo đó, sẽ đề nghị điều chỉnh thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro vì nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay.
Đặc biệt về chính sách chuyển đổi chủ tàu, theo dự thảo Nghị định mới, sẽ cho phép chuyển đổi chủ tàu không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản. Chủ tàu mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ khi nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ. Ngoài ra, dự thảo Nghị định sửa đổi tới đây sẽ có thêm các chính sách về nuôi biển, quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản...
Dự thảo là như vậy, nhưng chưa biết đến bao giờ thì chính sách được triển khai áp dụng tới ngư dân, chỉ biết một thực tế, tàu nằm bờ sẽ rất nhanh xuống cấp. Hơn nữa, tâm lý người dân lâu nay cũng ngại mua lại con tàu hiệu quả sản xuất kém, do đó tài sản thanh lý giá rất thấp. Thiết nghĩ, trước mắt các Ngân hàng thương mại nên xem xét hạn chế thu giữ tàu để tạo điều kiện cho chủ tàu được hoạt động, sản xuất nhằm tăng khả năng trả nợ.
Ngành chuyên môn cần tiếp tục nắm bắt tình hình, hiệu quả hoạt động của các chủ tàu cá; hướng dẫn các tàu hoạt động theo tổ đoàn kết, tổ hợp tác, tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác. Bên cạnh đó, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân.
Con tàu 67 vươn khơi không chỉ đơn thuần là kinh tế mà còn góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Vì vậy, dư luận kỳ vọng Chính phủ, các ngành chức năng, chính quyền địa phương kịp thời có những chính sách mới tháo gỡ những bất cập, đưa đội tàu cá của Ninh Bình cũng như của cả nước tiếp tục vươn ra khơi xa.
Nguyễn Lựu