Những con tàu mắc cạn
Toàn tỉnh có 5 con tàu đóng mới từ vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 và 4 ngư dân được chọn cho vay vốn đều là những người giỏi nghề, nhiều năm lăn lộn ở các ngư trường xa. Nhưng hiện nay, tất cả họ đều ngập trong "biển nợ", từ ông chủ trở thành người đi làm thuê. Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Diệm (70 tuổi, xóm 8, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn).
Ông Diệm là ngư dân tiêu biểu nên từng nhiều lần được các đoàn công tác của Trung ương, địa phương đến thăm, tặng quà, cờ tổ quốc, giấy khen, bằng khen. Trong ký ức của tôi, ông và những người con trai của ông đều là những người can trường, giỏi giang. Không bao giờ tưởng tượng được có ngày gia đình bề thế ấy lại "bể nợ"...
Cầm chén chè chát, đôi mắt buồn bã, ông Diệm trầm ngâm: Tôi và cả 6 người con trai đều theo nghề cá từ đời ông cha để lại. Thời điểm thịnh vượng nhất, bố con tôi sở hữu 2 chiếc tàu gỗ công suất 450 CV, dọc ngang khắp các ngư trường đánh bắt cá. Sản lượng từ 800 đến 1.200 tấn cá mỗi năm, thu nhập cả tỷ đồng.
Năm 2014, Biển Đông "dậy sóng" với sự kiện giàn khoan HD981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển của ta, Nghị định 67 ra đời. Được sự động viên, khích lệ của ngành Nông nghiệp và chính quyền các cấp về việc đóng tàu vỏ thép để vươn khơi phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo, năm 2016, bố con tôi đã mạnh dạn bán đi 2 con tàu gỗ, vay hơn 54 tỷ đồng của ngân hàng đóng 3 con tàu công suất trên 1000 CV với đầy đủ các trang thiết bị đánh bắt hiện đại, nuôi giấc mơ "làm ăn lớn".
Thời gian đầu, tàu thép hoạt động khá hiệu quả, mỗi chuyến biển từ 7-10 ngày cho sản lượng khoảng 2 tấn, thu lãi từ 120-150 triệu đồng nên gia đình có điều kiện trả gốc, trả lãi ngân hàng đầy đủ.
Tuy nhiên từ năm 2020, ngư trường bị thu hẹp, thị trường thì khó khăn, giá xăng dầu tăng cao khiến các chuyến đi biển thu không đủ bù chi. Hiện 1 con tàu đã phải nằm bờ, 2 con còn lại hoạt động cầm chừng.
Làm nghề đi biển từ thời niên thiếu, anh Nguyễn Văn Dụng (xóm 8, Kim Chính, Kim Sơn) cũng là một trong những ngư dân dày dạn kinh nghiệm ở địa phương. Tuy nhiên từ khi trót "sa chân" vay hơn 18 tỷ đồng đóng tàu công suất lớn, anh Dụng từ một ông chủ thành đạt bỗng chốc "rơi" xuống bờ vực của một con nợ. Kiệt quệ về kinh tế, uể oải về tinh thần khiến người thuyền trưởng sức vóc ngày nào giờ gầy tọp đi.
Anh Dụng ngậm ngùi: "Con tàu của tôi có chiều dài gần 30m, trọng tải 238 tấn, sử dụng 2 động cơ tổng công suất 1055 CV, lưới khai thác dài 14 hải lý... Tưởng rằng tàu lớn thì yên tâm làm ăn, đánh bắt, ai ngờ lớn quá hóa "mắc cạn". Trừ 2 năm đầu, các năm sau chuyến biển nào cũng lỗ, không còn đủ sức cầm cự, tôi cho tàu nằm bờ, phía ngân hàng đang thực hiện các bước thẩm định giá để tiến hành thanh lý và thu hồi vốn. Giờ đây, tôi phải xin đi làm thuê cho tàu bạn ở Hải Phòng để trang trải cuộc sống gia đình".
Nguyên nhân vì đâu ?
Theo thông tin từ tổ giúp việc Ban Chỉ đạo 67 của tỉnh, thực hiện Nghị định số 67/2014/ NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Ban chỉ đạo 67 tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 3 quyết định về việc phê duyệt danh sách chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới tàu thép cho 11 ngư dân. Sau đó, có 4 chủ tàu đủ điều kiện được 5 chi nhánh ngân hàng thương mại cho vay đóng mới 5 tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, tổng số tiền mà các ngân hàng thương mại đã cho vay là trên 88 tỷ đồng.
Đến nay 5/5 tàu cá đều hoạt động kém hiệu quả; 3 tàu nằm bờ, 2 tàu hoạt động cầm chừng, chủ tàu thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng rất thấp so với phương án vay vốn. Ngân hàng chuyển sang nhóm nợ xấu, thường xuyên đôn đốc trả nợ. Có trường hợp, ngân hàng đã phải kê biên, xử lý tài sản.
Anh Trần Văn Công, con trai ông Trần Văn Diệm trầm ngâm cho biết: "Ảnh hưởng của thẻ vàng Ủy ban châu Âu nên hàng xuất đi ít, chủ yếu tiêu thụ trong nước, cộng thêm với dịch bệnh COVID-19 nên giá cả bị giảm sút. Cá đi đánh bắt về nằm bờ 3-4 ngày mới bán hết, giá cá Thu mà bị ép từ 110-120 nghìn đồng/kg xuống còn có 70- 75 nghìn đồng/kg.
Trong khi đó, lao động đi biển ngày càng khan hiếm, trước 7-10 triệu nay phải 10-12 triệu đồng/tháng mới gọi được quân. Sang đầu năm nay, dịch bệnh tạm lắng thì giá xăng dầu lại tăng vọt, mỗi chuyến đi biển chi phí nhiên liệu đội lên tới 120 - 150 triệu đồng. Thu không đủ bù chi, tàu hoạt động cầm chừng, không có tiền trả nợ ngân hàng".
Anh Nguyễn Văn Dụng thì nêu một khía cạnh khác: Nguồn lợi suy giảm, ngư trường thu hẹp do quy định đánh bắt mới. Trước chỉ ra khơi 7-10 ngày là cá đầy khoang, nay phải kéo dài từ 10-15 ngày mới quay về được. Trong khi đó tàu ngày một cũ đi, nhiên liệu tiêu hao cũng nhiều hơn. Ngoài ra, việc Ninh Bình không có cảng cá, đội tàu xa bờ thì nhỏ bé cũng khiến cho việc khai thác thêm khó khăn và đội thêm nhiều khoản chi phí khác.
Đại diện Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho rằng lý do khiến hàng loạt tàu cá 67 gặp khó thì có nhiều. Trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan, bất khả kháng là ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nhiên liệu, lao động tăng, biến động ngư trường, nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt,... thì cũng có yếu tố chủ quan.
Đó là, tàu lớn thì chi phí vận hành lớn, tuy nhiên năng lực quản lý, vận hành của chủ tàu chưa đáp ứng, thiếu kinh nghiệm khi chuyển từ nghề lưới kéo sang lưới rê. Nhiều chuyên gia còn nêu vấn đề: Nghề cá là một ngành công nghiệp phát triển mà trong đó con tàu chỉ là một bộ phận cấu thành. Tàu lớn có thể đi xa hơn nhưng đi xa chắc gì đã có cá. Muốn đánh được cá cần phải có ngư cụ tốt, công nghệ, tin tức, con người. Đó là chưa kể, công nghệ bảo quản, chế biến sau đánh bắt rồi cả việc tiêu thụ, xúc tiến thương mại... Mọi thứ phải được thực hiện một cách đồng bộ thì hiệu quả mới đạt như mong muốn.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu