60% hộ dân được sử dụng nước sạch Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh đã tích cực đầu tư và thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng các công trình cung cấp nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn. Nhiều công trình cấp nước tập trung tại các địa phương bị xuống cấp, hiệu quả hoạt động thấp hoặc địa phương chưa có nước sạch được các doanh nghiệp tiếp nhận và đầu tư.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 60 công trình cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn đã được bàn giao cho các doanh nghiệp tự quản lý. Sau tiếp nhận, đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực, cố gắng mở rộng mạng lưới, cải tạo, nâng cấp đường ống, hệ thống máy móc thiết bị nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh, hạn chế các bệnh liên quan gây ra.
Nhờ đó, cuối năm 2018 toàn tỉnh đã có 60% hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung. Nhiều công trình cấp nước sạch được quản lý vận hành tốt, hoạt động hiệu quả và đạt từ 70-80% số hộ dân trên địa bàn sử dụng nước sạch. Điển hình như Trạm cấp nước sạch xã Yên Từ (huyện Yên Mô) đang hoạt động khá hiệu quả với công suất đạt 5.000 m3/ngày/đêm. Hiện Trạm đã lắp đặt 1.717 đồng hồ và cấp nước sạch cho 2.000 hộ dân trong xã.
Bác Phạm Văn Lâm, xóm Thượng cho biết: "Trước gia đình tôi chỉ sử dụng nước giếng và nước mưa trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, nguồn nước giếng không đảm bảo, nước thường xuyên bị đục đỏ. Hiện gia đình tôi đã chuyển hẳn sang dùng nước sạch của Trạm cấp nước tập trung. Từ khi chuyển sang dùng nước sạch, đến nay tôi thấy nước luôn đảm bảo và rất yên tâm sử dụng".
Trước đây, người dân xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng khoan, giếng khơi với chất lượng nước không được đảm bảo do tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi ngày càng tăng. Năm 2011, Trạm cấp nước tập trung xã Khánh Thiện với công suất thiết kế 550 m3/ngày/đêm đi vào hoạt động đã đáp ứng mong mỏi có nước sạch của người dân.
Anh Phạm Trung Sánh, Trạm trưởng Trạm cấp nước tập trung xã Khánh Thiện cho biết: Trong những năm qua, Trạm luôn nỗ lực tuyên truyền để người dân hiểu về ý nghĩa của nước sạch trong cuộc sống và chuyển từ sử dụng nước giếng sang sử dụng nước sạch.
Đồng thời kiểm tra thường kỳ, test nhanh về độ đục, độ màu, độ dư clo... để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo nước đầu ra cung cấp tới các hộ dân luôn đáp ứng QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế. Đến nay Trạm đã lắp 942 đồng hồ và đã có 750 đồng hồ đưa vào sử dụng, tương đương 80% hộ dân của xã được sử dụng nước sạch.
Trạm cấp nước sạch tập trung xã Khánh Thiện và xã Yên Từ là hai trong nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh đang phát huy hiệu quả tốt, giúp người dân được sử dụng nước sạch.
Còn nhiều thách thức
Dù thực hiện khá hiệu quả chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhưng theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh sau khi xã hội hóa vẫn còn thấp.
Điển hình như Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình hiện đang quản lý, vận hành 32 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung được xây dựng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới với công suất thiết kế 25.800 m3/ngày/đêm, cung cấp nước cho 38 xã trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế một số trạm có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chỉ đạt 30-40% và phần đa hộ dân vẫn tiết kiệm không lắp đặt đồng hồ nước hoặc đã lắp đặt rồi lại không sử dụng, gây lãng phí. Tính chung toàn Công ty mới có 47,1% số hộ dân của 38 xã dùng nước sạch; công suất khai thác thực tế của các trạm chỉ đạt 48,17% công suất thiết kế.
Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch chưa cao là do một số công trình cấp nước tập trung hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nước sạch nông thôn đang gặp một số khó khăn vì những địa bàn đông dân cư, điều kiện thuận lợi, nhanh thu hồi vốn đã có đơn vị tiếp quản và khai thác vận hành, hiện chỉ còn lại những điểm ở xa, dân số ít, địa bàn rộng và thời gian thu hồi vốn chậm.
Mặt khác, do nhận thức về nước sạch còn hạn chế nên một số địa phương mặc dù có trạm cấp nước sạch nhưng tỷ lệ người dân sử dụng rất thấp.
Được biết, ngày 21/1/2019, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch "Triển khai thực hiện chương trình sức khỏe Việt Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Bình" đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 75% hộ gia đình khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch và đến năm 2030 có 90% hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch.
Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi tỉnh cần thiết phải có những can thiệp hiệu quả, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có những giải pháp kỹ thuật phù hợp với vùng miền, tập quán sinh hoạt của người dân để tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch. Một trong những giải pháp hiệu quả được đưa ra là tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các công trình nước sạch.
Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực đầu tư cho công trình nước sạch tập trung ở nông thôn. Thông qua các chương trình, dự án, các ngân hàng thương mại..., tạo điều kiện để doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận vay vốn ưu đãi nhằm tạo ra mô hình thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp, người dân.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở và nhân dân về lợi ích trong việc sử dụng nước sạch đối với sức khỏe cộng đồng; nhận thức đầy đủ chủ trương và cơ chế, chính sách của Nhà nước và của tỉnh trong việc đầu tư xây dựng, sản xuất, cung cấp nước sạch và tiêu thụ nước sạch.
Công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch ở nông thôn sau đầu tư cần được chú trọng để nguồn nước đầu ra luôn đảm bảo theo tiêu chuẩn và tạo niềm tin để người dân yên tâm sử dụng, qua đó nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bài, ảnh: Giáng Hương