Ít về số lượng, hạn chế về chất lượng
Theo bà Lê Thị Bích Ngọc, Trưởng Ban chính sách, pháp luật LĐLĐ tỉnh: Thực tế, tỷ lệ các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thương lượng với người sử dụng lao động ký kết TƯLĐTT còn thấp, chất lượng chưa cao. Các bản TƯLĐTT hiện nay mới chỉ thương lượng được các nội dung chủ yếu về: phụ cấp xăng xe, phụ cấp thâm niên, nuôi con nhỏ, chế độ đối với lao động nữ, chất lượng bữa ăn ca, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, tổ chức thăm quan nghỉ mát, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, hiếu hỷ, mừng sinh nhật, trợ cấp tiền tàu xe khi nghỉ phép…
Các nội dung về: tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, đảm bảo việc làm, đảm bảo điều kiện làm việc chưa nhiều. Bên cạnh những bản TƯLĐTT có chất lượng, có rất nhiều bản TƯLĐTT nội dung vẫn còn chung chung, hình thức, thậm chí một vài bản TƯLĐTT các nội dung còn sao chép luật và được xây dựng như một bản nội quy lao động.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó phải kể đến đầu tiên chính là việc người sử dụng lao động còn xem TƯLĐTT chỉ là sự "đòi quyền lợi" của tổ chức Công đoàn và người lao động đối với doanh nghiệp; chính vì vậy công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT ở nhiều doanh nghiệp chưa được người sử dụng lao động hiểu và nhìn nhận một cách đúng đắn. Thậm chí không ít chủ sử dụng lao động tìm mọi biện pháp tăng năng suất, tăng sản lượng nhưng lại không muốn tăng thêm chi phí, không muốn chia sẻ lợi nhuận với người lao động thông qua TƯLĐTT.
Chị Đinh Thị Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giầy Adora chia sẻ: ở doanh nghiệp của chúng tôi, trong quá trình hoạt động, chủ sử dụng lao động chỉ chú trọng thực hiện đúng các quy định của pháp luật chứ chưa thực sự muốn tăng mọi quyền lợi cho người lao động so với luật định để hạn chế tối đa chi phí. Trong khi đó, chính bản thân người lao động cũng chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đến TƯLĐTT. Còn theo Chủ tịch Công đoàn Công ty KG Vina: Là công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài nên việc chấp hành luật tại Công ty KG Vina tương đối tốt, song vì doanh nghiệp có quy mô nhỏ, phải đi thuê nhà xưởng lại không có chiến lược lâu dài nên các chế độ đãi ngộ không nhiều, bởi vậy TƯLĐTT chỉ mang tính hình thức.
Ngoài nguyên nhân khách quan đến từ phía doanh nghiệp thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan từ chính đội ngũ cán bộ công đoàn. Hiện nay, đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở vừa ít về biên chế, vừa phải kiêm nhiệm nhiều công việc, thời gian dành cho hoạt động của địa phương lớn dẫn tới khó khăn trong việc nắm tình hình, hướng dẫn, giúp đỡ Công đoàn cơ sở (CĐCS) trong thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Trong khi đó, các cán bộ CĐCS doanh nghiệp lại cũng chủ yếu kiêm nhiệm, phụ thuộc vào người sử dụng lao động, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn còn hạn chế.
Chia sẻ về khó khăn này, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH may Exel (Yên Khánh) cho biết: Hàng tháng những cán bộ công đoàn như tôi được hưởng lương từ doanh nghiệp, do đó đã hạn chế phần nào việc chúng tôi thực sự mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Mà biểu hiện rõ nhất ở việc triển khai các bước thương lượng, ký kết TƯLĐTT không đúng quy trình, không lấy ý kiến của tập thể người lao động về nội dung của bản thỏa ước nên đó chưa phải là sự tập hợp trí tuệ của số đông người lao động, không tổ chức thương lượng giữa tập thể người lao động với Ban giám đốc công ty về các điều khoản. Thực chất tất cả chỉ do bộ phận chuyên môn tiến hành soạn thảo vì sợ ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ sản xuất của doanh nghiệp.
Mặt khác, thực tế công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế tài xử phạt doanh nghiệp vi phạm những quy định của pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động chưa đủ sức răn đe để hạn chế tình trạng các doanh nghiệp vi phạm.
Nỗ lực để nâng cao chất lượng TƯLĐTT
Với mục tiêu thực hiện tốt hơn nữa chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, LĐLĐ tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai thực hiện xây dựng, thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT tại doanh nghiệp, đơn vị. Trong phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ tại Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2018-2023, việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại các doanh nghiệp đã được đưa vào chỉ tiêu thực hiện.
LĐLĐ tỉnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp có TƯLĐTT hết hạn; hướng dẫn các doanh nghiệp mới thành lập CĐCS đặc biệt quan tâm đến chất lượng và việc thực hiện TƯLĐTT được ký kết trên thực tế. Tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng thương lượng và ký kết TƯLĐTT; trong đó, chú trọng tập huấn cho cán bộ công đoàn các cấp về các kỹ năng đàm phán, thương lượng để xây dựng bản TƯLĐTT có nhiều nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật hoặc pháp luật chưa đề cập đến và được triển khai thực hiện tại doanh nghiệp. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ công đoàn các cấp và công nhân lao động về pháp luật lao động, trong đó có nội dung về TƯLĐTT; qua đó, giúp đoàn viên, người lao động có thêm sự hiểu biết, tạo được sự chuyển biến nhận thức, thấy được sự cần thiết của TƯLĐTT trong giải quyết quan hệ lao động, là cơ sở để bảo vệ người lao động, là hoạt động quan trọng của công đoàn tại doanh nghiệp.
Đồng thời, giúp CĐCS và người lao động có ý thức trách nhiệm với việc xây dựng, thương lượng và ký kết TƯLĐTT; cân nhắc và lựa chọn các nội dung đưa vào quá trình đàm phán, thương lượng; coi trọng việc tiếp thu ý kiến xây dựng của đoàn viên, người lao động, giúp cho việc ký kết và thực hiện TƯLĐTT được triển khai, thực hiện có hiệu quả trên thực tế. Thực hiện Hướng dẫn số 1580/HD-TLĐ ngày 21/10/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc đánh giá chất lượng thương lượng tập thể, ký kết và tổ chức thực hiện TƯLĐTT của CĐCS, các bản thỏa ước được ký mới, ký lại đã cơ bản hạn chế được việc sao chép luật, nội dung không trái luật.
Về giải pháp trong thời gian tới, theo bà Lê Thị Bích Ngọc, Trưởng Ban chính sách, pháp luật LĐLĐ tỉnh: Để có thể xây dựng được những bản TƯLĐTT thực sự vì quyền lợi người lao động đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ nhiều phía. Trước hết cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở và cán bộ CĐCS cần tích cực học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng thương lượng, tự tin đàm phán với chủ doanh nghiệp để có thể đưa ra những điều khoản có lợi hơn Luật cho người lao động. LĐLĐ tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở về các phương pháp và kỹ năng đối thoại, thương lượng, đàm phán, ký kết TƯLĐTT, giám sát thực hiện TƯLĐTT.
Các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần thống kê, rà soát những đơn vị đã thành lập CĐCS mà chưa thương lượng, ký kết TƯLĐTT để xây dựng kế hoạch, hỗ trợ, song hành và giúp các CĐCS tiến hành thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh xem xét đưa chỉ tiêu đánh giá số lượng CĐCS trực thuộc thương lượng, ký kết TƯLĐTT có chất lượng vào tiêu chuẩn đánh giá xếp loại công đoàn vững mạnh hằng năm và xét thi đua của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở…
Đào Duy