Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 4/8/2016 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, ngành Công thương đã chủ động đề xuất và thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển. 5 năm qua, sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển đáng ghi nhận, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,58%/ năm.
Nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tiếp tục lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện các chính sách ưu việt, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư về Ninh Bình; trong đó có Nghị quyết số 08-NQ/BCSĐ ngày 21/1/2015 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 13/2/2017 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Ninh Bình về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh; Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 ban hành Quy chế quản lý thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình...
Do đó, Ninh Bình đang thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa liên thông, đơn giản hóa thủ tục, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư… Tỉnh cũng tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng cơ sở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giúp cho nhà đầu tư đến với Ninh Bình thuận lợi hơn…
Những chính sách đúng đắn và hiệu quả đã "kích cầu" làn sóng đầu tư vào Ninh Bình với hàng loạt các dự án lớn có chất lượng tập trung vào các ngành, lĩnh vực có ưu thế của tỉnh, những dự án có quy mô đầu tư lớn, dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
Hiệu quả của công tác thu hút đầu tư đã mang lại kết quả thiết thực, ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 33.986 tỷ đồng, đến năm 2019 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 63.240 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2016. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt trên 78,4 nghìn tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.472 ha. Đến nay, đã có 5 KCN đi vào hoạt động (KCN Khánh Phú, Khánh Cư, Phúc Sơn, Gián Khẩu, Tam Điệp I) với tổng diện tích là 786 ha. Đến nay, tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực là 113 dự án với tổng vốn đăng ký 61.207 tỷ đồng, trong đó có 30 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 11.435 tỷ đồng.
Trong nhiệm kỳ đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu sản xuất; đã thành lập thêm 9 cụm công nghiệp với tổng diện tích 371,36 ha và thu hút thêm 22 dự án với tổng vốn đầu tư 5,7 nghìn tỷ đồng vào hoạt động; hiện có 5 cụm công nghiệp đã lấp đầy 100% (cụm công nghiệp Cầu Yên, Ninh Phong, Yên Ninh, Gia Vân, Sơn Lai).
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Trước những khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Ninh Bình xác định nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội, trong đó có mục tiêu về phát triển công nghiệp của năm 2020 cũng như của cả nhiệm kỳ, trong đó tiếp tục kiên trì với mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành nghiên cứu hoàn thiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư; thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển.
Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận 08-KL/BCSĐ, ngày 10/1/2018 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 13/2/2017 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; khuyến khích thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, nhất là các dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô và điện tử. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với huy động đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các thành phần kinh tế, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tập trung mở rộng diện tích các khu, cụm công nghiệp hiện có.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm